Khơi thông nguồn vốn, phát triển sản phẩm OCOP

- Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP. Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm theo hướng hàng hóa rất cần được khơi thông nguồn vốn.

Doanh nghiệp, HTX cần vốn

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong Thái Bình (Yên Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao ngay trong lần đầu tiên đánh giá. Ông Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 1.600 đàn ong ta, trung bình mỗi năm HTX sản xuất khoảng 20 - 22 tấn mật cung ứng không đủ cho thị trường các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng... Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sản phẩm mật ong ta là rất lớn, HTX mong muốn mở rộng quy mô đàn để phục vụ nhưng cái khó là thiếu nguồn vốn để phát triển. Ông Hùng chia sẻ, mùa con ong đi lấy mật chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn khoảng 3 tháng, còn lại phải nuôi dưỡng đàn ong, nguồn chi phí này là không nhỏ. Cũng vì thiếu vốn nên HTX Nuôi ong Thái Bình được thành lập năm 2019 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể xây dựng nhà kho để cất giữ, bảo quản sản phẩm.


HTX Hồng Phát Tri Phú (Chiêm Hóa) tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất.

Tương tự như HTX Nuôi ong Thái Bình, HTX Thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cũng đang nằm trong tình trạng thiếu vốn để đầu tư mở rộng. Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX cho biết, hiện tại HTX có 31 lồng cá trong đó có 1/2 lồng nuôi cá đặc sản. Mục tiêu trong năm 2022, HTX sẽ mở rộng thêm 10 lồng nuôi cá đặc sản nữa nhưng vấn đề vốn đang làm khó cả vị giám đốc lẫn các thành viên. Theo ông Thiết, để đóng mới 1 lồng nuôi cá cần khoảng 20 triệu đồng chưa kể con giống, nếu giống cá đặc sản như chiên, quất chi phí đầu tư ban đầu sẽ là 30 triệu/lồng.

Số liệu tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong 2 năm 2020, 2021, tỉnh đã có 128 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng có thể được xếp hạng OCOP trong những năm tới. Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tiêu chuẩn hóa, đánh giá, phân hạng 209 sản phẩm, trong đó có ít nhất 150 sản phẩm hạng 3 sao trở lên. Phản ánh của các chủ thể sản phẩm được xếp hàng và sản phẩm có tiềm năng xếp hạng, bên cạnh năng lực thì vấn đề thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm đang là trở ngại lớn. Ông Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX Nuôi ong Thái Bình (Yên Sơn) chia sẻ, HTX đã đề xuất được tiếp cận nguồn vốn từ 1 tổ chức tín dụng, tuy nhiên yêu cầu của tổ chức tín dụng đặt ra là phải có tài sản đảm bảo để thế chấp, điều này sẽ rất khó đối với HTX mới ra đời như HTX Nuôi ong Thái Bình.

Khơi thông nguồn vốn

Vay vốn phát triển sản xuất là nhu cầu thiết thực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ trên 33,6 tỷ đồng lồng ghép từ các chương trình, dự án hỗ trợ các chủ thể  có sản phẩm OCOP. Gần đây, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tham mưu với tỉnh về việc tạo nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp các ngân hàng để khảo sát nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP. Hiện đã có một số ngân hàng đã thực hiện khảo sát, cho vay. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã mạnh dạn nới lỏng một số quy định tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn vốn. Ông Dương Tuấn Phương, Phó trưởng phòng Dịch vụ- Maketing, Agribank Tuyên Quang cho biết,  tính đến hết tháng 1-2022 với số dư nợ cho vay trong sản xuất nông nghiệp lên đến trên 6.433 tỷ đồng, chiếm 77,8% tổng dư nợ cho vay, trong đó có đầu tư vào phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh.

HTX Thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) vẫn thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong kế hoạch Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ dành khoảng 57,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã... để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, ngành cũng tiếp tục phối hợp với các ngân hàng tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP, qua đó, nắm bắt tâm tư, giúp các đơn vị này tháo gỡ vướng mắc để tiếp cận được nguồn vốn.

Nghị quyết số 03/2021/NQ của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được ban hành tiếp tục khơi thông hơn nữa nguồn vốn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển sản xuất của các chủ thể tham gia OCOP, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa phát triển.    

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục