Hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. (Ảnh PHONG NGUYỄN)
Tại diễn đàn "Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản" do Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn, thực hiện thành công sứ mệnh nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.
Khó tiếp cận nguồn vốn
Trưởng phòng Kinh tế hợp tác (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) Nguyễn Tiến Ðịnh cho biết: Tính đến tháng 6/2022, cả nước có 18.795 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình hợp tác xã cả nước, thu hút 3,2 triệu thành viên, vốn bình quân cho mỗi hợp tác xã khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 2.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm tỷ lệ hơn 10%), hơn 1.000 hợp tác xã là chủ thể OCOP, 37% số hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có thể thấy, đây là lực lượng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã còn hạn chế. Việc góp vốn của thành viên vào hợp tác xã cũng còn thấp, nhiều thành viên góp ít vốn, thậm chí không góp vốn, nên mức vốn góp chỉ đạt bình quân 623 triệu đồng/hợp tác xã.
"Tổng dư nợ đến năm 2021 của hợp tác xã nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2002-2021, chỉ khoảng hơn 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ tín dụng, bình quân 700 hợp tác xã/năm, tương đương 3,7% số hợp tác xã được tiếp cận tín dụng hằng năm. Mỗi năm cũng chỉ có khoảng 45 hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ ưu đãi về tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, bình quân 298 triệu đồng/hợp tác xã" - ông Nguyễn Tiến Ðịnh nhấn mạnh.
Chính vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn nên hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa thật sự hiệu quả. Theo đó, hợp tác xã không đủ khả năng đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom nông sản, khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và vẫn liên tiếp phải chịu áp lực tiêu thụ mùa vụ do sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, tươi, rất ít sản phẩm được chế biến sâu, thậm chí sản phẩm sơ chế cũng không nhiều.
Thu hoạch khoai tây tại Phường 8, thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng. (Ảnh DUY ÐĂNG)
Bên cạnh hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng khó tiếp cận vốn vay. Theo Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Bùi Thu Thủy, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống.
Ðây là hạn chế rất lớn bởi nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực thay đổi công nghệ để bứt phá. "Câu hỏi đặt ra là vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không tiếp cận được? Theo phía ngân hàng thì nguyên nhân là do ngân hàng phải bảo đảm tín dụng hiệu quả, không để xảy ra nợ xấu và phải bảo toàn vốn cho hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ độ tin cậy do chưa minh bạch về tài chính, phần lớn doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi…" - bà Bùi Thu Thủy cho biết thêm.
Nâng cao năng lực, đơn giản hóa thủ tục
Ðể các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay hiệu quả, rất cần có sự phối hợp hành động từ cả hai phía. Theo đó, phía doanh nghiệp, hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản lý, năng lực lập kế hoạch, dự án… Phía ngân hàng cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay, linh hoạt các hình thức thẩm định tài sản để cho vay vốn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) Nguyễn Văn Ðời chia sẻ: Nếu thực hiện theo Nghị định 116/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NÐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì hợp tác xã sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Bởi lẽ, ngân hàng là đơn vị kinh doanh, trong khi năng lực của hợp tác xã để viết một dự án có tính khả thi là rất hạn chế.
Bên cạnh đó là vướng mắc trong thẩm định tài sản vay vốn. Ðó là ngân hàng muốn cho vay vốn nhưng hợp tác xã không có cơ quan chủ quản, cơ quan chuyên môn giúp đỡ trong việc thẩm định tài sản vay vốn. Thí dụ như Hợp tác xã Bình Thành, hiện tài sản của hợp tác xã khoảng 10 tỷ đồng nhưng không thể thế chấp được với lý do cán bộ ngân hàng không thẩm định tài sản thực tế theo từng sản phẩm.
Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên nghiên cứu đến việc cho phép ngân hàng địa phương thẩm định thực tế tài sản của hợp tác xã. Bên cạnh đó, có chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hoạt động này để hợp tác xã sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. "Ðối với Nghị định 31/2022/NÐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có quy định hỗ trợ 2%/năm lãi suất, chúng tôi mong muốn sớm triển khai trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục" - ông Nguyễn Văn Ðời kiến nghị.
Về vấn đề nâng cao năng lực quản lý và hoạt động của hợp tác xã, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Thị Thanh Thủy đề xuất tổ chức các lớp học đào tạo cho giám đốc hợp tác xã nắm rõ về vấn đề tài chính kế toán tại đơn vị để xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể hơn nhằm tiếp cận nguồn vốn nhanh, hiệu quả.
Về các giải pháp chung, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Chính phủ cần xây dựng các chương trình hỗ trợ hạ tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nhỏ cho khu vực hợp tác xã; khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói tín dụng cho các chuỗi sản xuất, gắn với vùng nguyên liệu lớn; có gói tín dụng để giúp nông dân có thể triển khai áp dụng khoa học-công nghệ, thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP…
Ðối với doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi liên kết thì khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trước cho hợp tác xã. Còn các hợp tác xã thì đẩy mạnh mở rộng thành viên, liên kết, sáp nhập nhiều hợp tác xã tạo ra quy mô thị trường lớn, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ vốn, tài sản cho hợp tác xã trong chuỗi để thông qua tài sản đó vừa đầu tư sản xuất, vừa làm tài sản thế chấp vay vốn
Gửi phản hồi
In bài viết