Khống chế, tiến tới loại trừ bệnh dại

- Sau 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất đáng mừng. Người bị chó, mèo cắn chủ động điều trị phơi nhiễm bệnh dại, từ năm 2020 đến nay không ghi nhận người tử vong do bệnh dại.

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin điều trị phơi nhiễm bệnh dại cho người dân.

Chị Lê Thị Phương, thôn 2, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) chia sẻ, giữa tháng 5 vừa qua, con chị là cháu Đinh Quốc Bảo, 6 tuổi sang nhà hàng xóm chơi, đùa nghịch với chó không may chó cắn vào mặt. Ngay khi phát hiện con bị chó cắn chị Phương đã vệ sinh vết thương và đưa con đi tiêm phòng. 

Ngay khi phát hiện người thân bị chó cào làm xước chân, tay, anh Phạm Thành Vân, xóm 17, xã Trung Môn (Yên Sơn) cũng chủ động đi tiêm phòng. Anh Vân bảo, bệnh dại có thể ủ vài ba tháng, thậm chí 1 năm mới phát nên không thể chủ quan được. Dù vết thương của người thân anh không nặng nhưng để bảo vệ tính mạng, anh vẫn thực hiện tiêm phòng vắc xin để yên tâm.

Báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2020 đến nay có 3.650 người đến tiêm phòng phơi nhiễm dại, trong đó tiêm phòng miễn phí cho 598 người nghèo và trẻ em, tăng trên 300 người so với năm 2019. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, những năm trước, nhiều người có tâm lý tiêm vắc xin điều trị phơi nhiễm bệnh dại ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ nên khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm ngay mà để theo dõi vật nuôi nếu có bất thường mới đi tiêm thì đã quá muộn. Song từ năm 2017 đến nay, hành vi này đã được thay đổi, người bị chó, mèo cắn đã chủ động đến trung tâm y tế các huyện, thành phố tiêm phòng. Sự chủ động, hành vi thay đổi đã bước đầu mang lại kết quả quan trọng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh dại. Cũng theo ông Hùng, năm 2020 đơn vị đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện lấy 10 mẫu giám sát vi rút dại, ngẫu nhiên tại nhiều địa phương. Kết quả không phát hiện mẫu dương tính với vi rút dại. Như vậy có thể khẳng định bước đầu bệnh dại đã được khống chế.

Tuy nhiên, để loại trừ bệnh dại khỏi cộng đồng vẫn còn là thách thức rất lớn. Để thanh toán, loại trừ bệnh dại phải thực hiện các giải pháp từ gốc, cụ thể là phải kiểm soát, tiêm đủ các mũi vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo nhưng trên thực tế nhiều địa phương chưa làm tốt điều này. Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tình trạng nuôi chó, mèo theo phương thức thả rông, không có kiểm soát còn chiếm tỷ lệ cao; việc thực hiện các quy định về quản lý, giám sát, khai báo số lượng chó, mèo nuôi còn chưa được chủ chó, mèo chấp hành nghiêm túc và thường xuyên. Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó mèo theo các năm chưa đạt được ở mức trung bình. Cụ thể, năm 2018 có 56.958 con chó, mèo được tiêm, đạt 48,56%; năm 2019 có 49.559 con được tiêm, đạt 42,72%; năm 2020 có 56.635 con được tiêm đạt 48,97% so với kế hoạch. Từ đầu năm đến nay 30.303 con được tiêm, đạt tỷ lệ 27,66% so với kế hoạch.

Ông Bế Văn Tỉnh, cán bộ thú y xã Trung Yên (Sơn Dương) chia sẻ, tiêm phòng cho đàn chó, mèo rất nguy hiểm nếu như không có sự hợp tác từ phía người nuôi. Theo ông Tỉnh, có vụ ông báo lịch tiêm, mang vắc xin đến tận nhà hộ dân nhưng bà con không bắt, giữ chó để tiêm nên ông không thực hiện được. Lý do bà con đưa ra là chó có chửa, chó đang nuôi con, chó nuôi nhốt nên không thể lây nhiễm bệnh dại.

Số lượng đàn chó, mèo được tiêm vắc xin phòng dại chưa đạt yêu cầu đề ra sẽ là trở ngại để loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, để kiểm soát, tiến tới loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi cam kết thực hiện “5 không”: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo khi chưa tiêm phòng dại; không thả rông chó, mèo; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã thực hiện các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch; xây dựng vùng cơ sở an toàn bệnh dại. Đồng thời rà soát, theo dõi chặt chẽ và tổ chức các đợt tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo đảm bảo ít nhất 1 lần/năm.  Người dân khi bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ quan y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. 

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục