Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm A hoặc B trên toàn cầu. Bệnh cúm có thể xảy ra quanh năm. Những năm trước, cao điểm của bệnh cúm thường là khi thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, đông sang xuân, cúm A rất ít xuất hiện vào mùa nắng nóng. Thế nhưng năm nay, mùa hè số lượng bệnh nhân mắc cúm A lại có xu hướng tăng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc cúm, chưa có trường hợp nào biến chứng nặng, tử vong. Số ca mắc có xu hướng tăng từ cuối tháng 7, phần lớn có triệu chứng nhẹ và điều trị ngoại trú. Một số có chỉ định nhập viện do có triệu chứng viêm đường hô hấp, thường khỏi sau 3-5 ngày điều trị. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan bởi bệnh có thể nặng và gây tử vong đối với những nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém và người mắc bệnh mạn tính.
Cán bộ Trạm Y tế xã Thổ Bình (Lâm Bình) thăm khám bệnh nhân mắc cúm A đang theo dõi sức khỏe tại trạm.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày qua liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân mắc cúm A, đa phần bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp. Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Quân, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: Những ngày vừa qua có nhiều bệnh nhân mắc cúm A nhập khoa điều trị. Đa phần các bệnh nhân có triệu chứng của các loại cúm thường giống nhau, đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi… nên người dân rất dễ nhầm lẫn với bệnh Covid-19. Vì vậy, cần có các xét nghiệm đặc hiệu mới phân biệt được chính xác bệnh nhân nhiễm cúm hay Covid-19.
Chị Hà Thị Thu Trang, phường Phan Thiết (T.P Tuyên Quang) cho biết: “Trước đó, tôi mắc cúm, sốt, đau đầu cứ nghĩ mình mắc Covid-19 nên đã đi test nhưng không phải, đến khi thấy cơ thể càng ngày càng đau nhức, tôi đã đến bệnh viện xét nghiệm thì được biết mắc cúm A. Sau mấy ngày điều trị sức khỏe ổn định, nhưng sau đó lây bệnh sang 2 con nhỏ là 4 tuổi và 7 tuổi. Gia đình cho các cháu đi khám bệnh và được chỉ định nhập viện, hiện điều trị đã được 4 ngày, bệnh đã thuyên giảm".
Bác sỹ Hoàng Văn An, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Nông (Na Hang) cho biết, mấy ngày gần đây trạm ghi nhận rải rác bệnh nhân nghi mắc cúm đến khám với các triệu chứng như sốt, ho, viêm đường hô hấp. Bệnh nhân đến khám đủ các lứa tuổi. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong cộng đồng có thể sẽ nhiều hơn do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị vì nghĩ đây là những triệu chứng thông thường, năm nào cũng bị. Căn cứ vào tình hình, triệu chứng của người bệnh, chúng tôi tư vấn và kê đơn theo phác đồ. Với bệnh nhân có triệu chứng nặng sẽ tư vấn chuyển tuyến để xét nghiệm xác định chủng cúm.
Tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 5-6 bệnh nhân được phát hiện mắc cúm A. Bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, qua xét nghiệm, trung tâm đã ghi nhận có những bệnh nhân mắc cúm A. Những trường hợp nặng, các bác sỹ sẽ cho nhập viện; trường hợp nhẹ kê đơn thuốc, đồng thời khuyến cáo người bệnh chủ động các biện pháp phòng, chống, giảm lây nhiễm cho những người xung quanh.
Trong bối cảnh số ca mắc cúm tăng nhanh, người dân không nên chủ quan, nếu có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp trên, nghi ngờ cúm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xét nghiệm khẳng định, qua đó điều trị đặc hiệu.
Khuyến cáo của bác sỹ: Virus cúm có khả năng lây lan trực tiếp từ người này sang người khác. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm bằng các biện pháp sau: Đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở y tế để tránh lây nhiễm chéo; rửa tay thường xuyên với xà phòng; lau chùi thường xuyên các bề mặt tiếp xúc hay các vật dụng có thể bị lây nhiễm bệnh cúm; tập thể dục hàng ngày, rửa tay trước và sau khi ăn cũng như mỗi khi ở ngoài về nhà; bàn tay sạch là một trong các biện pháp quan trọng để ngừa cúm; bệnh cúm được dự phòng bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết