Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 16 ca SXH, trong đó huyện Hàm Yên 1 ca, Sơn Dương 2 ca, Yên Sơn 1 ca và thành phố Tuyên Quang 12 ca. 12 ca của thành phố được phát hiện từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
Thành phố Tuyên Quang là địa bàn ghi nhận số trường hợp bệnh SXH nhiều nhất tỉnh. Trong đó phường Tân Quang ghi nhận 8 ca, phường Phan Thiết 1 ca, phường Ỷ La 1 ca, phường Hưng Thành 1 ca, phường Minh Xuân 1 ca. Bác sỹ chuyên khoa I Mai Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết, ngay sau khi phát hiện các ca mắc SXH trên địa bàn, Trung tâm đã phối hợp với CDC triển khai công tác giám sát nhằm kiểm soát không để dịch lây lan. Để ngăn chặn dịch bùng phát, Trung tâm đã cử người đến phun hóa chất diệt muỗi, cùng với đó vận động người dân đổ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng để diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi hai lần tại các ổ dịch này nhằm kiểm soát, không để phát sinh thêm các trường hợp mắc bệnh mới.
Cán bộ Y tế thành phố Tuyên Quang phun hóa chất diệt muỗi tại gia đình có ca mắc sốt xuất huyết.
Ca bệnh ghi nhận gần đây tại thành phố Tuyên Quang là chị Hà Thị Linh, tổ 4, phường Ỷ La. Chị Linh cho biết, khi thấy người bị nổi ban, sốt cao, chị đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết dù không đi ra khỏi nhà kể từ một tháng trở lại đây.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: SXH là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan khá nhanh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bất cứ ai cũng có thể mắc SXH. Đặc biệt, SXH ở người lớn gây nhiều biến chứng nặng nề nên không được coi thường. Do đó, nếu bị SXH, cần phải đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, nhanh chóng. Thời gian qua, các ca bệnh được ghi nhận trên địa bàn tỉnh đều được điều trị tại cơ sở y tế.
Nguyên nhân dịch SXH tăng cao trong thời gian gần đây là do dịch SXH có tính chất chu kỳ. Nhất là thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Bên cạnh đó là do dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được khống chế, sự giao lưu đi lại của người dân thời gian qua tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo...
Để phòng dịch hiệu quả, quan trọng nhất là ý thức và sự thực hành thường xuyên của người dân. Hiện nay, cán bộ ngành Y tế đang tăng cường tuyên truyền kêu gọi người dân quan tâm phòng dịch sốt xuất huyết. Đồng thời, hướng dẫn người dân quan tâm vệ sinh môi trường xung quanh nhà; đối với những dụng cụ phế thải có thể chứa nước xung quanh nhà là nơi trú ẩn của lăng quăng nên lật úp lại hoặc dọn dẹp, bán ve chai. Người dân cần thực hiện đậy kín các dụng cụ chứa nước chưa sử dụng đến, đối với dụng cụ chứa nước thường xuyên sử dụng thì thường xuyên kiểm tra diệt lăng quăng, vệ sinh sạch sẽ, nhằm không để lăng quăng phát triển thành muỗi vằn gây bệnh. Vì vậy, người dân phải quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe gia đình mình và sức khỏe của cả cộng đồng.
Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần chung tay thực hiện phòng dịch, như: Thực hiện tốt công tác vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường, thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng…, mặc quần áo tay dài cho trẻ, ngủ mùng vào ban ngày lẫn ban đêm phòng tránh muỗi đốt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết