Theo đó, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, không quá 60 giờ trong 1 tháng. Trong bối cảnh hiện nay, tăng giờ làm thêm thì tất cả các bên đều có lợi. Người lao động sẽ có thêm thu nhập bù đắp cho những ngày nghỉ vì dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập, điều kiện sống của gia đình. Doanh nghiệp cũng bù đắp đơn hàng, duy trì và phát triển sản xuất. Điều này cũng đem lại tăng trưởng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
So với mức đề xuất ban đầu không quá 400 giờ/năm, không quá 72 giờ/tháng thì thấy, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm đã thấp hơn. Cho thấy sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc Covid-19, ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh của người lao động và nhiều vấn đề chính trị, xã hội khác.
Thời gian làm việc là vấn đề không chỉ căn cứ quan điểm của người sử dụng lao động hay người lao động; mà còn dựa trên các cơ sở khoa học về giờ làm theo tháng, theo năm đã được nghiên cứu khoa học. Xu thế phát triển khiến người lao động luôn muốn được tăng lương, giảm giờ làm. Do vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp phải cải tiến khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động. Việc tăng giờ làm thêm chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay.
Người lao động và nhân dân nói chung rất phấn khởi khi thấy Đảng và Nhà nước đã không đánh đổi sức khỏe và tính mạng của người dân để lấy tăng trưởng. Điều này càng tạo nên niềm tin mạnh mẽ của dân với Đảng, tạo đồng thuận xã hội để cùng vượt qua lúc khó khăn do đại dịch này.
Gửi phản hồi
In bài viết