Theo báo cáo Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có 783 doanh nghiệp không hoạt động; tổng số hộ kinh doanh cá thể năm 2021 là 30.680 hộ, giảm 368 hộ so với năm 2020. Đây thực sự là con số đáng lo ngại, do đó cần có các giải pháp “cứu” doanh nghiệp, hộ kinh doanh để bảo đảm “sức khỏe” cho nền kinh tế.
Các doanh nghiệp không hoạt động chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là các lĩnh vực kinh doanh dễ bị tổn thương nhất như dịch vụ vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn. Tỉnh ta hiện có 10 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định và 6 hãng tắc xi. Thời gian qua, do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, ngành Giao thông – Vận tải đã tạm dừng hoạt động các hoạt động vận tải hành khách đến 37 tỉnh, thành phố trong cả nước khiến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải, các hãng tắc xi gặp khó khăn chất chồng.
Dàn xe khách của Công ty Du lịch dịch vụ vận tải Cường An vẫn đang... chờ khách.
Nhìn dàn xe ô tô của mình nằm phơi nắng mưa suốt thời gian qua, anh Hán Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ vận tải Cường An, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) thực sự xót xa. Anh Hải chia sẻ, dịch vụ vận tải hành khách là nghề thường bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh, có những điều mình không thể lường trước nổi. Anh đi lên từ nghề lái xe, chịu khó làm ăn, gom góp được ít vốn đầu tư mở dịch vụ vận tải riêng, đến năm 2016 bắt đầu thành lập công ty, vươn ra “biển lớn”. Đây quả là bước chuyển ngoạn mục, bởi, anh không bao giờ nghĩ mình sẽ làm giám đốc có hơn 20 đầu xe tải như bây giờ. Đó là một nỗ lực lớn của một người lao động như anh. Cơ chế vay vốn ngày càng thuận lợi hơn từ các tổ chức tín dụng, với khát vọng vươn lên, anh đã vay ngân hàng đầu tư dàn xe khách sang trọng theo phương châm “mỡ nó rán nó”. Cách làm này được anh áp dụng từ khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và mang lại hiệu quả bất ngờ. Anh Hải nhấn mạnh, nếu không có ngân hàng cho vay, anh không thể có điều kiện mua hàng chục xe như vậy. Tất cả đều là vốn vay ngân hàng, xe chạy thì mới có tiền trả ngân hàng, nhưng giờ thì…
Khó khăn của anh Hải là tỉnh cảnh chung của các công ty, hộ kinh doanh dịch vụ vận tải. Chị Vương Thị My Trang, chủ hãng tắc xi Sơn Trang, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đang phải gồng mình trước những khó khăn cuộc sống. Chị Trang tâm sự, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các lái xe cũng đơn phương cắt hợp đồng vì không có việc, công ty của chị gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn do ảnh của dịch bệnh Covid-19 mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đối mặt, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi và cho vay ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh. Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ vận tải Cường An cho biết, trong lúc khó khăn, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất trong thời gian công ty dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Còn anh Nguyễn Tiến Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt cho rằng, các ngân hàng đã tạo điều kiện hết sức để anh được vay vốn ưu đãi, giảm lãi cũng như điều chỉnh lại thời gian trả nợ, do đó, công ty không rơi vào tình cảnh phá sản và giải thể. Anh Bảo tin tưởng rằng, khi dịch bệnh bị đẩy lùi, du lịch sẽ hồi sinh, công ty anh có nhiều cơ hội phát triển để tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động.
Vietconbank Tuyên Quang hỗ trợ kịp thời khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đến thời điểm này, các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng. Ông Hà Thành Hải, Giám đốc Vietcombank Tuyên Quang cho biết, ngân hàng đã giảm lãi cho dư nợ từ thời điểm 15-7 kéo dài đến 31-12-2021 với dư nợ được hưởng lãi suất ưu đãi là 500 tỷ đồng cho 20 doanh nghiệp và hơn 210 hộ kinh doanh. Khách hàng không phải đến ngân hàng làm bất cứ thủ tục nào mà thực hiện giảm tự động trên hệ thống. Đối với khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh được giảm 1% lãi suất, khách hàng cá nhân tiêu dùng được giảm 0,5% lãi suất.
Agribank Tuyên Quang cũng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-10. Đến 31-7, số khách hàng còn dư nợ được hưởng các chính sách hỗ trợ của Agribank do ảnh hưởng Covid 19 là 47.301 khách hàng với dư nợ 6.874 tỷ đồng. Ngân hàng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 222 khách hàng, dư nợ 289 tỷ đồng; cho vay ưu đãi 32 khách hàng, dư nợ 380 tỷ; giảm lãi đồng loạt tối đa 10% cho 47.267 khách hàng, dư nợ 6.847 tỷ.
BIDV Tuyên Quang cũng đã tiến hành rà soát, đánh giá dư nợ khách hàng để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do anh hưởng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang nhấn mạnh, hỗ trợ khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp, hộ kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai là trách nhiệm của BIDV. Ngân hàng đã hỗ trợ 1.120 khách hàng doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng Covid-19 với số tiền 102 tỷ đồng.
Sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vực dậy sản xuất, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết