Không để thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm

- Tác động của dịch Covid-19 đã làm gián đoạn một số chuỗi sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Điều này đang đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm tăng cao. Không để thiếu hụt nguồn cung, ngành nông nghiệp, các địa phương đã lên phương án và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định và bền vững.

Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch lúa mùa.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn trên đà phát triển. Diện tích lúa mùa gieo cấy đạt trên 20.000 ha. Hiện tại diện tích trà lúa mùa sớm, chính vụ đã thu hoạch, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng khá, cụ thể đàn lợn trên 540 nghìn con, tăng 18.975 con; đàn gia cầm đạt kỷ lục 6,5 triệu con, tăng 638 nghìn con so với cùng kỳ năm 2020... Theo Cục Thống kê tỉnh, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản từ đầu nămđếnnay đạt 4.149,97 tỷ đồng, tăng 4,3% so năm 2020; đặc biệt nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hoạt động vận chuyển hàng hóa bị hạn chế dẫn đến sức tiêu thụ chậm, ảnh hưởng tâm lý, kế hoạch tái đầu tư sản xuất của bộ phận người nông dân. Tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân có tâm lý chỉ sản xuất đủ cho tiêu dùng của gia đình không tính đến chuyện làm hàng hóa.

Không để thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm, ngày 23-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản về việc đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, sở sẽ tăng cường hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất để phối hợp với UBND huyện, thành phố triển khai có hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiệm vụ trước mắt là duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo bền vững tổng đàn gia súc, gia cầm và hoạt động nuôi trồng thủy sản, thực hiện biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp, tận dụng sản phẩm phụ làm thức ăn cho chăn nuôi để giảm thiểu chi phí, gia tăng giá trị cho sản phẩm; đôn đốc thu hoạch hết lúa mùa, thực hiện trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất, trong đó tập trung trồng rau, củ, quả (nhóm hàng thị trường cần nhiều) ngô lấy hạt, ngô sinh khối làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông.

Người dân thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) liên kết trồng dưa chuột cung ứng nguồn thực phẩm cho thị trường.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đã có gần 1.000 ha ngô đông và rau đậu các loại đã được gieo trồng, mục tiêu trồng trên 5.000 ha cây vụ đông nhiều khả năng sẽ thực hiện được. Sở cũng đã thành lập các đoàn công tác nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình; thường xuyên rà soát, nắm tình hình tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, dự báo ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản hàng hóa; thống kê sản lượng nông sản cần tiêu thụ theo từng thời điểm, loại cây trồng vật nuôi, đề xuất và thực hiện các giải pháp hỗ trợ, kết nối, hưởng ứng tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX, hộ kinh doanh.

Ông Lương Xuân Kỳ, thôn Đồng Bao, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chia sẻ, gia trang trại của gia đình hiện có 300 con lợn, trong đó 30 lợn nái. Mặc dù giá lợn đang xuống thấp, tuy nhiên ông vẫn duy trì tổng đàn lợn, song để giảm bớt chi phí chăn nuôi ông Kỳ thay đổi khẩu phần ăn giảm lượng cám chế biến sẵn, tăng lượng cám phối trộn từ ngô, sắn, cám gạo. Ông Kỳ hy vọng, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, thị trường tiêu thụ dần mở lại và từ nay đến cuối năm giá lợn thịt sẽ tăng trở lại.

Xúc tiến tiêu thụ nông sản, ngày 2-9 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công Thương ký kết văn bản ghi nhớ về phối hợp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó 2 bên sẽ phối hợp chặt chẽ, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ: Công nghiệp hóa nông nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ trên nhiều kênh khác nhau; đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản... Hiện tại một số sản phẩm nông sản của tỉnh đã được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso.vn, Sen đỏ...

Hy vọng rằng những giải pháp đưa ra sẽ tháo gỡ được khó khăn, duy trì sản xuất, đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các vùng phụ cận, ổn định thu nhập của người nông dân.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục