Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trên 700 bệnh nhân đến khám và điều trị. Để đảm bảo cung ứng đủ vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ bệnh nhân, hàng năm bệnh viện xây dựng kế hoạch dự trữ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong khám và điều trị.
Do dự báo được tình hình bệnh nhân đông dẫn đến khan hiếm thuốc, vật tư y tế sau đại dịch Covid-19, ngoài mua thuốc thiết yếu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động mua thêm các loại thuốc theo quy định để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh. Thời gian vừa qua về cơ bản đơn vị đảm bảo cung ứng đầy đủ các loại thuốc và điều trị cho bệnh nhân, vì vậy đơn vị không xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Hiện nay, bệnh viện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu để đảm bảo đủ thuốc trong những tháng cuối năm và năm 2023.
Y, bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương giải thích cho người bệnh về những thuốc được hưởng trong danh mục BHYT.
Do đi lại không cẩn thận nên anh Hoàng Văn Mền, xã Sơn Phú (Na Hang) bị gẫy chân và hiện đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang. Anh Mền cho biết, sau khi vào nhập viện, anh được cán bộ y, bác sỹ của trung tâm vệ sinh sát khuẩn, chụp chiếu, bó bột. Trong quá trình điều trị tại đây ngoài một số vật tư không có trong danh mục BHYT được hướng dẫn mua tại trung tâm, hiện anh vẫn đang sử dụng thuốc được cấp phát theo chế độ BHYT để điều trị và không phải mua thuốc bên ngoài…
Đồng chí Trần Tuấn Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Na Hang cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc cung ứng thuốc có phần ảnh hưởng. Tuy nhiên, về cơ bản thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT vẫn cung ứng đủ cho bệnh nhân và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.
Bên cạnh những đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đảm bảo thuốc và vật tư y tế trong công tác khám và điều trị thì vẫn còn một số cơ sở y tế có xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc điều trị là do tác động của tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt giai đoạn 2020 - 2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Sau khi dịch ổn định, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các đơn vị tăng cao so với thời gian trước đó đã làm ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc của các đơn vị. Một số đơn vị chưa chủ động và vẫn lúng túng trong việc dự trù, dự trữ thuốc, xây dựng kế hoạch mua thuốc chưa sát với thực tế sử dụng. Nhà thầu cung ứng thuốc chưa chủ động trong việc sản xuất và nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng chậm cung ứng thuốc hoặc không có thuốc cung ứng...
Bác sỹ Ma Công Lệnh, Trạm Y tế xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, trạm thường chủ động đề xuất danh mục thuốc cần nhận, nguồn thuốc của trạm thông thường được Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình phân bổ. Tuy nhiên, thay vì trước kia đề xuất các loại thuốc đều được duyệt theo danh mục và đủ số lượng đề xuất thì nay thuốc không đủ theo yêu cầu, thuốc không đúng theo đề xuất. Nguyên nhân là nguồn thuốc theo đề xuất hiện chưa có, vậy nên trước kia bệnh nhân lấy điều trị theo định kỳ cả tháng thì nay lấy theo 10 ngày một và có những loại thuốc không đúng toa thuốc cũ mà thay thế bằng loại thuốc khác.
Dược sỹ Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để đảm bảo cung ứng thuốc, nhất là thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT, Sở Y tế tiếp tục thực hiện điều tiết thuốc giữa các cơ sở y tế theo kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc tập trung năm 2021 - 2022. Cùng với đó để chủ động bảo đảm việc cung ứng một số thuốc thiết yếu tại cơ sở y tế, trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, Sở Y tế sẽ giao đơn vị đó chủ động tự tổ chức lựa chọn nhà thầu mua thuốc.
Với những giải pháp của ngành Y tế, trong thời gian tới sẽ chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết