Trong bối cảnh đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang tiến hành kế hoạch chấm dứt các chương trình mua trái phiếu để đối phó với nguy cơ lạm phát tăng cao tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Giá năng lượng tác động mạnh đến việc kiềm chế lạm phát tại châu Âu.
ECB gây bất ngờ cho thị trường tài chính với quyết định của 25 thành viên Hội đồng thống đốc ECB trong tuần qua về việc bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Thông báo sau cuộc họp, ECB cho biết họ có kế hoạch kết thúc chính sách kích thích kéo dài nhiều năm qua vào quý III tới, mở đường cho một đợt nâng lãi suất vào cuối năm nay. Quan điểm chung trong giới tài chính là ECB sẽ tạm dừng các động thái hướng tới cái gọi là “bình thường hóa”. Thay vào đó, họ đặt ra kế hoạch giảm mua trái phiếu chính phủ nhanh hơn. Theo kế hoạch trước đó, việc mua trái phiếu hằng tháng sẽ giảm từ 40 tỷ euro xuống 20 tỷ euro vào tháng 10. Còn hiện tại, ECB sẽ cắt giảm xuống còn 20 tỷ euro vào tháng 6.
Có thể thấy Eurozone đang phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine. ECB vốn có ý định tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế hậu đại dịch, nhưng giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 14 năm khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với việc làm thế nào để giảm lạm phát mà không dẫn đến sự phục hồi kinh tế đi chệch hướng.
Theo Thời báo tài chính Financial Times, quyết định này cho thấy ECB sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong quý IV với nỗ lực kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã tăng từ 5,1% trong tháng 1 lên 5,8% vào tháng 2 và có thể tăng cao hơn nhiều do giá năng lượng tăng mạnh. Giá tiêu dùng trong khu vực cũng tăng nhanh hơn dự kiến của ECB, đạt mức kỷ lục là 5,8% vào tháng 2 vừa qua. Ngày 10-3, ECB đã nâng dự báo lạm phát năm nay từ 3,2% lên 5,1%.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, các nhà hoạch định chính sách đã dự kiến lạm phát sẽ tăng hơn nữa trong thời gian tới. “Giá năng lượng đã tăng 31,7% trong tháng 2, tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao và đang đẩy giá trên nhiều lĩnh vực khác lên cao. Giá lương thực cũng tăng do yếu tố mùa vụ, chi phí vận chuyển và giá phân bón tăng”, bà C.Lagarde nêu rõ.
Trong khi lạm phát cao hơn dự kiến làm gia tăng áp lực khiến ECB phải đề ra kế hoạch chấm dứt các chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất, biến động phức tạp của tình hình thế giới cũng đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực. Chi phí năng lượng ngày càng cao làm cho các doanh nghiệp khó khăn hơn trong hoạt động và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 4,2% xuống 3,7%, đồng thời xem xét các kết quả khác trong dự báo kinh tế. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs đã đưa ra một dự báo ảm đạm về tăng trưởng của Eurozone với 2,5%, giảm so với mức 3,9% được dự đoán trước đó.
Không giống như Ngân hàng trung ương Anh đã bắt đầu tăng lãi suất và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến cũng sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần này để chống lạm phát, ECB đang thực hiện việc này với tốc độ chậm hơn vì lạm phát mà họ cố gắng kiềm chế chủ yếu bắt nguồn từ giá năng lượng, một chi phí nhập khẩu mà ngân hàng có rất ít quyền kiểm soát. Theo một số nhà phân tích, Ủy ban châu Âu đang xem xét các phương án nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá khí đốt và giá điện. Điều này kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục phát triển và giữ cho ECB đi đúng hướng.
Gửi phản hồi
In bài viết