Người dân Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đã ba tháng trôi qua kể từ khi xảy ra trận động đất mạnh tàn phá miền tây Afghanistan, Liên hợp quốc cho biết, vẫn còn gần 100.000 trẻ em tại các khu vực bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ. Theo đại diện UNICEF tại Afghanistan, các gia đình thuộc nhiều làng mạc trong các huyện Zinda Jan và Injil đã mất gần như mọi thứ, trẻ em hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi và tổn thương trong khi các trường học, trung tâm y tế bị hư hại không thể khắc phục. Tình hình càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh mùa đông lạnh giá đang đến, nhiệt độ xuống thấp trong khi các gia đình bị mất nhà cửa phải sống tại các lều tạm.
Bên cạnh đói nghèo, thiên tai, một vấn đề đang gây nhức nhối khác tại Afghanistan là phụ nữ và trẻ em gái bị hạn chế tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội.
Xung đột, thảm họa thiên tai do hệ quả của biến đổi khí hậu, suy giảm kinh tế... đang chất chồng những khó khăn cho quốc gia Nam Á. Báo cáo mới nhất của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá, tình trạng bất ổn kinh tế ở Afghanistan ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Có tới 69% dân số Afghanistan phải đối mặt tình trạng thiếu các loại nhu yếu phẩm. Hệ thống chăm sóc sức khỏe, vốn phụ thuộc phần lớn vào nguồn viện trợ nước ngoài, cũng bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng. Hồi đầu tháng 12/2023, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Afghanistan nằm trong số những nước có tỷ lệ tử vong ở sản phụ cao nhất trên thế giới.
Bên cạnh đói nghèo, thiên tai, một vấn đề đang gây nhức nhối khác tại Afghanistan là phụ nữ và trẻ em gái bị hạn chế tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội. Trong báo cáo mới đây, UNDP nêu rõ, kể từ khi lên nắm quyền ở Afghanistan, Taliban đã áp đặt những quy định hạn chế hà khắc đối với phụ nữ, trong đó có lệnh cấm tiếp cận hệ thống giáo dục và cấm làm việc với các cơ quan viện trợ, cả trong nước và nước ngoài. Đây cũng là yếu tố dẫn đến nguồn tài trợ nước ngoài dành cho Afghanistan bị thu hẹp đáng kể, ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động của các cơ sở y tế và làm trầm trọng thêm hoàn cảnh kinh tế khốn khó của người dân.
Với một quốc gia đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo như Afghanistan, viện trợ tài chính là nhân tố quan trọng, có thể cứu hàng triệu người khỏi bờ vực của nạn đói. UNICEF cho biết, trong năm 2024, tổ chức này cần khẩn cấp 1,4 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của 19,4 triệu người dân Afghanistan. Theo đại diện UNICEF tại Afghanistan, cơ quan này đã nhận được những khoản tài trợ quý báu giúp người dân ở vùng xảy ra động đất hồi tháng 10/2023, nhưng số tiền này chưa đủ để tái thiết vùng đất trên do các cơ sở hạ tầng trọng yếu đều bị tàn phá. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ 1,5 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có người dân Afghanistan.
Đáng nói là, thời gian qua, xuất hiện hàng loạt điểm nóng nhân đạo trên toàn cầu khiến nhu cầu viện trợ gia tăng, trong khi hoạt động quyên góp tài chính của các nước trở nên khó khăn. Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths, bản thân các quốc gia tài trợ cũng đang khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trên thực tế, do không có đủ nguồn lực tài chính để duy trì đầy đủ và lâu dài các dịch vụ chăm sóc y tế công cộng tại Afghanistan, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã thông báo chấm dứt chương trình hỗ trợ tài chính cho 25 bệnh viện ở Afghanistan.
Nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo tồi tệ ở Afghanistan, các quan chức và đối tác của Liên hợp quốc đã nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và đầu tư vào các giải pháp dài hạn cho quốc gia Nam Á này. Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì thúc đẩy sự thay đổi ở Afghanistan, hướng tới bảo đảm và tôn trọng quyền của người dân, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ.
Gửi phản hồi
In bài viết