Cuộc khủng hoảng lương thực khiến cuộc sống của người dân tại các quốc gia nghèo trên thế giới thêm phần khó khăn.
Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) ước tính, tổng giá trị hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu trong năm nay tăng 51 tỷ USD so với năm 2021, trong đó gần như toàn bộ (49 tỷ USD) là do giá cả leo thang. FAO dự báo, giá trị hóa đơn nhập khẩu lương thực của những quốc gia kém phát triển nhất có thể giảm 5%, trong khi các quốc gia đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng và các quốc gia châu Phi ở Nam sa mạc Sahara dự kiến ghi nhận gia tăng chi phí trong khi khối lượng nhập khẩu giảm.
“Do giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt, lo ngại về thời tiết và những bất ổn thị trường gia tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine, dự báo mới nhất của FAO cho thấy nhiều khả năng thị trường lương thực sẽ thắt chặt và hóa đơn nhập khẩu lương thực đạt mức cao kỷ lục mới”, Upali Galketi Aratchilage chuyên gia kinh tế của FAO cho biết.
Nhìn chung, các nước đang phát triển giảm nhập khẩu ngũ cốc, hạt có dầu và thịt. Điều này cho thấy, nhiều nước không đủ khả năng trang trải do giá cả gia tăng. Chi phí cố định ngày càng cao đối với cái gọi là “đầu vào nông nghiệp” như phân bón và nhiên liệu sẽ đẩy hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu lớn hơn bao giờ hết và làm trầm trọng thêm an ninh lương thực tại các nước nghèo.
Thực tế, khi các quốc gia giàu có như Mỹ, Anh lo lắng về việc tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng bởi lạm phát “phi mã”, thì các quốc gia nghèo hơn sẽ phải gánh chịu điều tồi tệ nhất. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 193 triệu người ở 53 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức khủng hoảng hoặc tồi tệ hơn vào năm 2021. Con số này tăng gần 40 triệu người so với con số kỷ lục trước đó vào năm 2020. Trong số này, hơn nửa triệu người ở Ethiopia, miền Nam Madagascar, Nam Sudan và Yemen được xếp vào giai đoạn nghiêm trọng nhất của “thảm họa mất an ninh lương thực cấp tính” và cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng lan rộng sinh kế sụp đổ, chết đói.
Lạm phát đáng lo ngại đối với tất cả mọi người, nhưng đối với các nước nghèo còn tồi tệ hơn. Cuộc xung đột Nga - Ukraine và phong tỏa các cảng ở Biển Đen đã khóa chặt một trong những khu vực sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến nguồn cung theo những cách mới và không thể đoán trước, với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục và Brazil đang hứng chịu một đợt hạn hán kinh hoàng.
Hơn 3 tháng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, người dân trên toàn cầu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa từng thấy, với những cú sốc giá cả leo thang trên thị trường thực phẩm, năng lượng và phân bón toàn cầu. Hơn một nửa các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có rủi ro cao.
Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và cần được hỗ trợ lương thực cứu sống khẩn cấp, cũng như hỗ trợ sinh kế tiếp tục tăng ở mức báo động. Điều này khiến việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng lương thực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình khủng hoảng hiện nay, thế giới cần chạy đua với thời gian để giúp đỡ nông dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bằng cách tăng nhanh sản lượng lương thực và tăng cường khả năng chống đỡ thách thức của họ.
Gửi phản hồi
In bài viết