Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ: Cần ngăn chặn rủi ro lan rộng

Sự tan vỡ nhanh chóng của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) mở đầu chuỗi sụp đổ, khiến ngành ngân hàng Mỹ “choáng váng” sau nhiều năm nỗ lực duy trì sự ổn định. Diễn biến đáng ngại này buộc Washington và nhiều chính phủ trên toàn cầu nhanh chóng đề ra các biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn rủi ro lan rộng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chính quyền sẽ bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền trước những diễn biến phức tạp gần đây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chính quyền sẽ bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền trước những diễn biến phức tạp gần đây.

Sự việc của SVB là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB có phần cá biệt, nhưng đây vẫn là hồi chuông cảnh báo về những điểm yếu tiềm ẩn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả khách hàng và nhân viên ở những ngân hàng khác. Và thực tế, nguy cơ này trở thành hiện thực, khi chỉ hai ngày sau, tức ngày 12-3, đến lượt Signature Bank (SB) - một ngân hàng lớn khác của Mỹ trong ngành công nghiệp tiền điện tử - cũng bị đóng cửa.

Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể lan rộng, Washington đã có những động thái xử lý quyết liệt, như chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp nhận xử lý tài sản của SB. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính nước này ngay lập tức đã xây dựng chương trình khẩn cấp để ngăn chặn các khoản tiền gửi bị rút ồ ạt từ hai ngân hàng trên, bằng cách sử dụng cơ chế cho vay khẩn cấp của FED. Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC cũng được huy động để chi trả cho những người gửi tiền, với khoản bảo hiểm tiền gửi 250.000 USD.

Với hàng loạt biện pháp dự phòng khẩn cấp, các cơ quan trên khẳng định, người gửi tiền có toàn quyền xử lý khoản tiền đã gửi và sẽ được thanh toán toàn bộ. Trong phát biểu liên quan tới vụ việc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an người dân Mỹ và các doanh nghiệp về khoản tiền gửi, cho biết sẽ buộc những bên liên quan có trách nhiệm giải trình, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực tăng cường giám sát và điều chỉnh các ngân hàng lớn để tránh tình trạng sụp đổ tái diễn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định sẽ theo dõi sát tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng, bày tỏ tin tưởng Washington sẽ có biện pháp quản lý thích hợp nhằm giải quyết tình hình.

Dù vậy, diễn biến phức tạp của hệ thống ngân hàng tại Xứ cờ hoa đã nhanh chóng tác động tới mạng lưới tài chính toàn cầu. Biểu hiện dễ thấy là việc hầu hết thị trường chứng khoán đã giảm điểm, trung bình khoảng 2%. Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tiền tệ hiện rất nhạy cảm với những diễn biến mới liên quan đến sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ. Để tự bảo vệ mình, nhiều nước đã gấp rút chuẩn bị những biện pháp can thiệp mạnh mẽ để hạn chế nguy cơ thiệt hại.

Tại châu Âu, chỉ vài giờ sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ đóng cửa SVB, Ngân hàng trung ương Anh tuyên bố đưa SVB Anh vào tình trạng mất khả năng thanh toán, kích hoạt quy trình bán tài sản. Chính phủ Anh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ bán chi nhánh này cho ngân hàng HSBC, đồng thời đưa ra một kế hoạch dự phòng để hỗ trợ các công ty có tiền gửi bị mắc kẹt trong các ngân hàng có rủi ro cao...

Tại châu Á, Ấn Độ nhanh chóng triệu tập cuộc họp với hàng loạt công ty khởi nghiệp để thảo luận các tác động. Theo Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar, nhiều công ty có tài sản hàng tỷ USD ít nhiều đều đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng. Tương tự, Israel cũng cam kết sẽ hỗ trợ các công ty công nghệ bị ảnh hưởng, trong bối cảnh nhiều công ty khởi nghiệp của nước này quan hệ chặt chẽ với đối tác ở Thung lũng Silicon của Mỹ, thậm chí có tài khoản tại SVB...

Có thể thấy, rắc rối mà các ngân hàng tại Mỹ gặp phải đã và sẽ còn những hệ lụy lan rộng. Lúc này, đối với các cơ quan quản lý, bên cạnh việc sớm có những biện pháp ứng phó phù hợp còn một nhiệm vụ quan trọng khác là làm thế nào để ngăn chặn các hệ lụy trong tương lai.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục