Doanh nghiệp khoa học và công nghệ trình diễn sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Với các quy định mới, doanh nghiệp chủ động quyết định nội dung, kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của mình; các nội dung chi của Quỹ cũng phản ánh đúng hoạt động cần thiết để đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; tổ chức các sự kiện trình diễn, giới thiệu công nghệ; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu với các doanh nghiệp...
Tuy nhiên, đến nay, tổng đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn thấp, còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Trình độ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực còn khoảng cách khá xa so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, tổng đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn thấp, còn dàn trải, chưa trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho nên hạn chế về khả năng đầu tư cho ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ. Thêm vào đó, do tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, làm giảm thêm khả năng đầu tư cho ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ.
Các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ, phát triển và đổi mới công nghệ vẫn chưa thật sự hiệu quả. Thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa thuận tiện, các quy định quản lý chi tiêu đối với Quỹ Khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chưa phù hợp thực tiễn.
Dù nhiều lần các nhà khoa học và doanh nghiệp đã nêu vướng mắc trong việc xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sâu rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, để phát triển nhanh, bền vững, Việt Nam cần huy động tổng lực cả ngân sách và nguồn lực tư nhân để đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Để khuyến khích tư nhân đầu tư cho lĩnh vực này, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tăng cường liên kết nghiên cứu với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp FDI để giúp các doanh nghiệp trong nước sớm tiếp cận, nghiên cứu, làm chủ và phát triển các công nghệ hiện đại. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Vấn đề khá cấp thiết là đổi mới cơ chế quản lý tài chính nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng chấp nhận rủi ro và có độ trễ trong hoạt động này để tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học mong mỏi, có cơ chế khuyến khích nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ bố trí thời gian nghiên cứu, làm việc tại doanh nghiệp để phát huy nguồn lực của các bên, từ đó thúc đẩy đầu tư của tư nhân cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhà nước cần xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, khai thác các kết quả nghiên cứu để tiến hành sản xuất thành sản phẩm cung cấp cho thị trường; hỗ trợ kinh phí, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư. Doanh nghiệp cần được truyền thông nhiều hơn nữa để thấy rõ yêu cầu thiết yếu của việc đổi mới công nghệ đối với việc phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết