Cơ hội từ mua sắm trực tuyến
Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, và các sàn TMĐT nhỏ hơn ở trong nước, người tiêu dùng tại Tuyên Quang có thể tiếp cận được hàng ngàn sản phẩm từ mọi nơi chỉ bằng vài cú click chuột. Điều này không chỉ đem lại sự tiện lợi cho người mua, mà còn mở rộng cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp địa phương, giúp sản phẩm của họ có thể vươn xa hơn ra thị trường toàn quốc.
TMĐT cũng giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí mặt bằng và mở rộng thời gian phục vụ khách hàng 24/7, giúp tối ưu hóa lợi nhuận. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, và các chiến dịch quảng bá trên sàn TMĐT cũng là một công cụ mạnh mẽ để thu hút người tiêu dùng, tạo ra sự sôi động trong mua sắm.
Các học viên tham gia lớp đào tạo tập huấn nguồn nhân lực phát triển thương mại điện tử thực hành trên sàn thương mại.
Chị Phạm Thị Thùy Linh, tổ 1, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) nhận xét: “Trước đây, mỗi khi cần mua sắm gì tôi đều phải đến cửa hàng, vừa mất thời gian lại phải chờ đợi xếp hàng. Nhưng từ khi có mua sắm trực tuyến, tôi đã mua sắm hầu hết thiết bị, đồ dùng qua các sàn thương mại. Chỉ cần vài cú click là tôi có thể tìm kiếm, so sánh giá cả và mua hàng ngay tại nhà, tiện lợi hơn rất nhiều”.
Còn chị Trần Phương Ngọc, tổ 10, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Các chương trình khuyến mại, đặc biệt là vào dịp lễ hay ngày mua sắm như 11 - 11, Black Friday, thực sự hấp dẫn. Nhờ các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội và website, tôi dễ dàng nhận biết những ưu đãi đặc biệt. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn có mức giá giảm sâu, giúp tôi tiết kiệm đáng kể khi mua hàng”.
Qua khảo sát tại kho hàng vận chuyển của sàn Shopee trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, vào những ngày sàn thương mại triển khai các chương tình sale thì đơn đến tỉnh có khoảng 4.000 đơn hàng/ngày, ngày thường có khoảng 2.000 đơn. Các đơn lấy trên địa bàn tỉnh ship đi cũng có từ vài trăm đơn đến khoảng 1.000 đơn/ngày. Việc mua sắm qua sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển nên gần 20 nhân viên giao hàng của kho hoạt động liên tục để kịp thời giao đến khách hàng.
Nhiều thách thức
Mặc dù TMĐT có tiềm năng lớn, nhưng các doanh nghiệp Tuyên Quang cũng phải đối mặt với một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang TMĐT. Đầu tiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kiến thức và kỹ năng để xây dựng gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp và thu hút. Việc thiết kế hình ảnh, tạo nội dung hấp dẫn, tối ưu SEO để tăng khả năng tiếp cận khách hàng vẫn là thách thức lớn.
Chị Phạm Thị Hồng, chủ thương hiệu Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa cho biết: HTX đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển trên các sàn thương mại điện tử tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Sau một thời gian đăng ký, mở gian hàng trên các sàn thương mại lớn thì việc bán hàng không chỉ có đưa ảnh sản phẩm lên, giới thiệu thông tin và điền giá bán mà để bán được hàng thì việc thiết kế gian hàng, hình ảnh, cũng như các chương trình phải bắt mắt và thu hút. Hiện nay, HTX đang tận dụng sự phát triển thương mại điện tử của các đối tác là đại lý bán sản phẩm của HTX để thúc đẩy phát triển. Trong đó, có đại lý tại Hà Nội và cửa hàng OCOP Việt Trì (Phú Thọ) là 2 đơn vị đã giúp đưa sản phẩm trà của HTX lên sàn thương mại lớn là Shopee, Lazada và bán rất tốt. Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chia sẻ: Việc bán chè trên các sàn thương mại điện tử đã mở ra cơ hội lớn cho HTX tiếp cận khách hàng trên toàn quốc mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Nhờ các nền tảng này, chè Sử Anh đã được biết đến rộng rãi hơn và giúp HTX mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu. Tuy nhiên, doanh thu bán trà qua các sàn thương mại điện tử chưa đạt được kỳ vọng. HTX cũng vẫn đang nỗ lực trong việc tận dụng và phát huy trên các sàn thương mại này.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, Sở Công Thương tổ chức lớp đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trưng bày, quảng bá, bán sản phẩm hàng hóa trên các sàn thương mại.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Để thương mại điện tử tiến gần hơn tới các đơn vị sản xuất kinh doanh, Trung tâm sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử, sớm đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, đưa thương hiệu OCOP và các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn trên các thị trường trong và ngoài nước.
Gửi phản hồi
In bài viết