Niềm vui từ những nông sản xuất ngoại
Những ngày cuối năm 2024, tin vui đến với người nông dân Tuyên Quang khi 7 sản phẩm OCOP của tỉnh được xuất khẩu sang Anh. Đây được xem là bước đi đầu tiên mở đường cho các mặt hàng nông sản của tỉnh xuất hiện trên thị trường châu Âu - thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Trong số 7 sản phẩm xuất khẩu, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh có 2 sản phẩm được xuất khẩu gồm trà ổi và hoa đu đủ đực ngâm mật ong. Theo ông Trần Việt Côi, đại diện Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh: Nhờ định hướng canh tác hữu cơ ngay từ khi mới thành lập nên các sản phẩm của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã khẳng định được chất lượng, có chỗ đứng ở thị trường. Sản phẩm hiện được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tất cả các sản phẩm của Hợp tác xã đều được sử dụng nguyên liệu sạch.
Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh tham quan gian hàng OCOP xuất khẩu của huyện Yên Sơn.
Sản xuất sạch cũng là điều mà người dân Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) theo đuổi khi cây bưởi bắt đầu được nhân rộng tại nhiều địa phương và được lựa chọn là cây trồng chủ lực của huyện Yên Sơn. Gia đình ông Đỗ Khắc Khoát là 1 trong 13 hộ dân ở thôn Soi Hà, xã Xuân Vân tham gia chăm sóc vườn bưởi theo hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ mục tiêu xuất khẩu sang châu Âu.
Ông Khoát cho biết, nhiều năm nay trung bình mỗi năm vườn bưởi đặc sản Soi Hà của gia đình ông cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, dù vậy thị trường tiêu thụ chỉ ở trong nước. Việc quả bưởi của xã Xuân Vân được xuất khẩu đi châu Âu khiến ông rất phấn khởi. Gia đình ông đã tập trung nguồn lực chăm sóc bưởi đảm bảo quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp quy định. Ông hy vọng khi quả bưởi của quê hương được xuất khẩu sang châu Âu, không chỉ nâng tầm thương hiệu nông sản xứ Tuyên mà còn giúp người dân như ông tăng thêm thu nhập.
Làm việc khó… từ từ
Mô hình trồng lúa hữu cơ ở Minh Thanh (Sơn Dương) đến thời điểm này là mô hình lúa hữu cơ duy nhất của tỉnh được chứng nhận.
Để sản xuất hữu cơ, anh Ma Văn Nhất, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Minh Thanh cùng các thành viên Hợp tác xã cho đắp lại bờ bao chắc chắn để cách ly, ngăn phân thuốc từ các ruộng bên cạnh theo nước tràn sang. Đất ruộng sử dụng phân bón hóa học lâu năm phải được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh trong 4 vụ liên tiếp. Suốt thời gian chuyển đổi, Hợp tác xã gần như không sản xuất mà để cho đất nghỉ và tái tạo.
Thành công của mô hình trồng lúa hữu cơ ở Minh Thanh là bước đầu tạo ra một mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, có sản phẩm sạch và chất lượng, tiêu chuẩn.
Không phân bón hóa học, đất ruộng 5% mà Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh thầu lại ngày càng giàu dinh dưỡng, ruộng của các hộ dân xung quanh, gần như không có vi sinh vật nào, nhưng ruộng của Hợp tác xã ngày càng nhiều vi sinh vật có lợi. Sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng thơm ngon hơn, cơm dẻo ngọt hơn. Điều quan trọng là thông qua mô hình đã giúp người nông dân tạo được sản phẩm an toàn hơn, trong quá trình thực hiện mô hình từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch nông dân luôn cảm thấy an tâm, không lo sợ độc hại khi chăm sóc lúa. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh Ma Xuân Nhất khẳng định: Mô hình đã tăng diện tích từ 3 ha lên 5 ha, nhờ sự hưởng ứng, làm theo của những hộ dân xung quanh.
Anh Hoàng Mạnh Cường (bên phải), ở thôn 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) ứng dụng công nghệ tự động để giảm thiểu sức lao động trong sản xuất.
Hiện nay, xu hướng trồng lúa hữu cơ đã bắt đầu lan dần đến các địa phương. Ông Quan Văn Phùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết: Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành mô hình trồng lúa hữu cơ tại một số địa phương như Lăng Can, Khuôn Hà, Hồng Quang... với diện tích khoảng 6,2 ha. Địa phương này đang tiếp tục nhân rộng và tiến tới hỗ trợ các nhóm hộ chứng nhận để chinh phục thị trường.
Xu hướng tất yếu
Tính đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đã có chỗ đứng trên thị trường và tạo sức cạnh tranh cao. Như mô hình bưởi hữu cơ tại xã Phúc Ninh (Yên Sơn) với diện tích hơn 57 ha; mô hình chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà (Na Hang) đã được nhận cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”, lọt vào top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương và được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; mô hình sản xuất cam hữu cơ Hàm Yên với quy mô 33 ha; mô hình bưởi hữu cơ tại xã Bình Xa (Hàm Yên) với quy mô 9,9 ha; Mô hình trồng lúa 6,2 ha hữu cơ tại huyện Lâm Bình… Giá trị sản phẩm hữu cơ cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản phẩm sản xuất thông thường, có thị trường tiêu thụ ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng.
Để xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn, Tuyên Quang cũng đang tập trung tuyên truyền, để nông dân làm quen khái niệm “đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành kia”. Những lớp tập huấn hướng dẫn ủ phân hữu cơ, làm chế phẩm sinh học… được các đơn vị tập trung thực hiện trong giai đoạn này đã tạo ra cuộc cách mạng về sản xuất nông nghiệp, sau quá nhiều năm phụ thuộc vào phân bón, thuốc trừ sâu hóa học.
Cùng với việc quy hoạch các vùng chuyên canh, những bước đi đúng đắn từ sản xuất sạch đã tạo đà cho nông nghiệp Tuyên Quang gặt hái những niềm vui trong năm 2024. Và hy vọng, năm 2025, với tiền đề này, sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông sản sạch của Tuyên Quang chinh phục những thị trường khó tính hơn, để đem lại giá trị cao hơn cho người nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết