Ảnh minh họa.
Giới phân tích quốc tế nhận định đồng USD gần đây tăng giá mạnh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến chỉ có 2 lần cắt giảm tổng cộng 1 điểm % lãi suất trong năm 2025, thay vì 4 lần như đã thông báo hồi tháng 9/2024. Đáng chú ý, chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của USD) trên thị trường quốc tế vượt mốc 108,6 điểm và đang ở mức cao nhất trong hơn 2 năm qua,... Những áp lực từ thế giới đã và đang gây sức ép lớn tới tỷ giá trong nước.
Linh hoạt điều hành
Ngay từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái điều chỉnh quan trọng trên thị trường ngoại hối. Theo đó, trong hai phiên giao dịch ngày 3/1 và ngày 6/1, thay vì chỉ bán USD giao ngay với tỷ giá 25.450 đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cung cấp các hợp đồng kỳ hạn (có kèm quyền chọn hủy) với cùng mức giá. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hủy giao dịch kỳ hạn toàn bộ hoặc từng phần trước ngày đáo hạn. Giá trị hợp đồng 100 triệu USD trở lên được hủy tối đa 3 lần, dưới 100 triệu USD được hủy tối đa 2 lần.
Theo một số chuyên gia phân tích, mức giá này là hợp lý vì không có chênh lệch lớn so với giá thị trường. Mặt khác, các chuyên gia cũng đánh giá cao động thái điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động vào cuối năm 2024. Việc cung ứng các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn (có hủy ngang) phát đi thông điệp mạnh mẽ từ nhà điều hành trong việc giữ ổn định tỷ giá quanh mức 25.450 đồng/USD, đồng thời xóa bỏ kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng giá bán can thiệp.
Nhìn lại cả năm 2024, tỷ giá của Việt Nam và các nước khu vực mới nổi và cận biên đều chịu áp lực, có những thị trường đã giảm so với đầu năm từ 10-12%. Việt Nam là một trong những thị trường có độ mở kinh tế rất lớn về mặt xuất, nhập khẩu. Từ tháng 6 đến tháng 12/2024, tỷ giá liên ngân hàng luôn ở mức kịch trần. Nhưng tính chung cả năm, Việt Nam có mức giảm tỷ giá khoảng 5%, ít hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, đây là một thành công.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, năm 2024, Ngân hàng đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường. “Cuối năm 2024, tỷ giá tăng khoảng 5,03%, duy trì sự ổn định, hài hòa, cân đối được ngoại tệ trong nền kinh tế, bảo đảm cho xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư không có gì lo lắng để phải đầu cơ, găm giữ ngoại tệ”, ông Tú cho biết.
Chủ động ứng phó biến động
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc Mỹ bước vào nhiệm kỳ mới, cùng với căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể xuất hiện, khiến đồng VND có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của nước này. Báo cáo vĩ mô được công bố của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra con số ước tính, năm 2024 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán ra khoảng 9,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá.
Sang năm 2025, nhiều “ẩn số” về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm tăng giá trị USD và gây áp lực lên tỷ giá. Giám đốc nghiên cứu Trung tâm phân tích VDSC Nguyễn Thị Phương Lan cho rằng: Năm 2025 với bộ đệm dự trữ ngoại hối tiếp tục bị bào mòn và khả năng thu hút/giữ chân dòng ngoại tệ thiếu tính bền vững sẽ khiến tỷ giá VND/USD biến động trong biên độ +/-5% và kết thúc năm ở mức 26.200 đồng/USD.
“Rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh của USD đều cho thấy đồng USD có thể tiếp tục mạnh trong năm 2025. Vì thế, việc kiểm soát sự ổn định tỷ giá trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Khó khăn lớn nhất chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ giải ngân vừa đủ để bù đắp lợi nhuận chuyển về nước, áp lực về nhu cầu USD vẫn cao khi lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao trong khi dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh”, bà Nguyễn Thị Phương Lan cho hay.
Chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, sẽ có những áp lực nhất định đối với xu hướng tỷ giá năm nay, đến từ việc sức mạnh của đồng USD vẫn được duy trì ở mức cao và các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia có thể sẽ kiên trì chính sách hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị sẽ khiến giới đầu tư tìm các tài sản “trú ẩn” an toàn, trong đó có USD.
Nhưng nhìn toàn diện, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực đối với thị trường ngoại hối Việt Nam trong năm 2025, đó là thu hút FDI và nguồn kiều hối. Đồng thời, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất, nhập khẩu với cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi cũng là “điểm cộng” cho tỷ giá năm nay.
Ngoài ra, trước áp lực từ thị trường quốc tế, cùng với việc tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng hiện vẫn duy trì ở mức cao, giới phân tích dự báo để giảm áp lực tỷ giá và kiểm soát lạm phát, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2025 nhằm tránh gây sức ép lên dự trữ ngoại hối khi đã phải bán ra lượng lớn USD trong năm 2024.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu tỷ giá tăng cao, áp lực lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xoay trục chính sách tiền tệ bao gồm việc tăng lãi suất, cùng với các chính sách khác để giảm áp lực và kiểm soát lạm phát. Sự xoay trục này có thể là bước đi cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng luôn sẵn sàng bán ngoại tệ, song việc này còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường, nhất là tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng. Các ngân hàng thương mại sẽ đăng ký mua USD từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sau đó bán lại cho khách hàng theo nhu cầu. “Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết