Giữa tháng 12-2020, nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc hiện tượng khói, bụi bất thường tại Nhà máy phôi thép Tuyên Quang thuộc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử Tổ công tác tới hiện trường kiểm tra, xác minh. Theo biên bản làm việc với Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, thời điểm 7 giờ, ngày 19-12-2020 có hiện tượng khói, bụi bất thường là do sản xuất của nhà máy xảy ra sự cố tại lò cao luyện gang. Ngay khi sự cố xảy ra, công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục, ngừng cấp nguyên liệu vào lò cao; điều chỉnh chế độ nhiệt và chế độ gió của lò để khắc phục tình trạng nghẽn liệu dẫn tới hiện tượng khói bụi bất thường. Ông Trương Quần, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang khẳng định, sự cố đã được khắc phục hoàn toàn và lò cao đi vào hoạt động sản xuất bình thường.
Cán bộ Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) kiểm tra hệ chỉ số môi trường
trên hệ thống quan trắc tự động.
Trước đó, cuối tháng 10-2020, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh kiểm tra tại Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang phát hiện khí thải ra từ ống khói của lò nung và nghiền liệu có mầu xám đen. Ông Nguyễn Trọng Dự, Phó Giám đốc Công ty cho biết, qua kiểm tra hệ thống lọc bụi tĩnh điện của nhà máy bị đứt gẫy 1 đầu cực phóng (gẫy bản cực âm) của điện trường 1, làm giảm hiệu suất xử lý bụi của hệ thống, dẫn tới lượng bụi thải ra môi trường nhiều hơn mức bình thường. Ngay khi phát hiện, công ty đã khắc phục thay thế bản cực của điện trường và cấp liệu sản xuất. Từ ngày 25-10, hoạt động sản xuất của nhà máy hoạt động bình thường, các chỉ số môi trường về khí thải đã được kiểm soát ổn định.
Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường chỉ ra rằng, ngoài ô nhiễm khói, bụi từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xe gắn máy hết hạn sử dụng; vận chuyển đất, vật liệu xây dựng tại các công trình; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón không tuân thủ theo nguyên tắc... cũng rất đáng lo ngại. Các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu sinh ra do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ bao gồm CO, CO2, SO2, NOX, Pb... và bụi do đất cát cuốn bay theo trong quá trình di chuyển của phương tiện vận tải, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Kiểm soát ô nhiễm khói, bụi bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, ngày 6-1, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, đơn vị chức năng kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân, trên cơ sở đó phải xử lý đúng quy định của pháp luật đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường; chính quyền các xã và các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông; thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Phùng Thế Hiệu khẳng định, đơn vị tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng xả thải khói, bụi ra môi trường. Chủ các cơ sở, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt, có như vậy môi trường, sức khỏe của cộng đồng mới được đảm bảo an toàn.
Gửi phản hồi
In bài viết