Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy”

- “Địa chỉ tin cậy” là 1 trong 4 mô hình chính của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giúp đỡ cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Việc nâng cao hiệu quả của mô hình này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng. Mặc dù quá trình triển khai thực hiện mô hình vẫn còn có những khó khăn, tuy nhiên ở một số địa phương đã có nhiều cách làm hay nhằm duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình này.

Hiệu quả bước đầu

Chị Nguyễn Thị Tươi Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Là cơ quan chủ trì, 3 năm qua (2022 - 2024) Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội củng cố, thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy”, tổ chức triển khai hoạt động, vận hành mô hình. Đến nay, toàn tỉnh đã củng cố, thành lập mới 41 mô hình “Địa chỉ tin cậy”.

Các mô hình đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... đến đông đảo hội viên phụ nữ và nhân dân; chủ động lồng ghép, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc triển khai các hoạt động; tổ chức theo dõi, nắm bắt, phản biện, phản ánh với các cơ quan chức năng về bạo lực gia đình; kịp thời lên tiếng, phối hợp tham gia hỗ trợ, giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Hội LHPN cấp huyện trao đổi, chia sẻ với các thành viên Ban quản lý Địa chỉ tin cậy các xã về nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình.

Thực tế quá trình thực hiện mô hình còn gặp một số khó khăn như: thiếu kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ và các nhu cầu thiết yếu cho các nạn nhân; các nạn nhân còn tâm lý lo ngại, cam chịu, không dám tố cáo hành vi bạo lực; việc hỗ trợ các nạn nhân mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn hoặc được hòa giải... Tuy nhiên, một số “Địa chỉ tin cậy” đã có cách làm hay nhằm duy trì hiệu quả mô hình.

Những cách làm hay

Chị Quan Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết: Năm 2023, Hội LHPN đã phối hợp với UBND xã củng cố, kiện toàn 1 “Địa chỉ tin cậy”, đặt tại trụ sở công an xã, với 11 thành viên. Qua sự hỗ trợ của “Địa chỉ tin cậy”, 1 trường hợp gây bạo lực gia đình bị phát hiện, tố cáo đã bị xử lý theo quy định. Để mô hình được hiệu quả, chúng tôi đã được cung cấp các thiết bị cần thiết để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, ngược đãi có nơi tạm lánh; làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người cùng biết về mô hình “Địa chỉ tin cậy”; nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bạo lực gia đình để mọi người kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, tố cáo các hành vi bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã đã phối hợp với chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng phong phú như: Tổ chức Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu về chính sách pháp luật; thành lập 9 mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 1 mô hình Chi hội “5 không, 3 sạch tiêu biểu”, 1 câu lạc bộ “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội”…

Hội viên phụ nữ thôn 2 Yên Lập, xã Yên Phú (Hàm Yên) đọc tờ gấp truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.

Năm 2023, mô hình “Địa chỉ tin cậy” của xã Tân Long (Yên Sơn) được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, Ban quản lý “Địa chỉ tin cậy” đã phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức được 2 buổi tuyên truyền pháp luật về Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình; Luật trẻ em… cho trên 100 hội viên, phụ nữ. “Địa chỉ tin cậy” xã đã tiếp nhận, tư vấn, giúp đỡ cho 1 nạn nhân bị chồng bạo hành nhiều lần do mẫu thuẫn vợ chồng.

Các thành viên “Địa chỉ tin cậy” đã phối hợp với Công an xã vào cuộc can thiệp, trợ giúp, đưa nạn nhân về “Địa chỉ tin cậy” của xã để đảm bảo an toàn; động viên, giúp đỡ nạn nhân bình tĩnh và ổn định tâm lý. Bằng những cách thức tiếp cận, tuyên truyền khéo léo, thành viên của “Địa chỉ tin cậy” đã phân tích, giúp người chồng nhận thức được việc làm sai trái và hứa chấm dứt việc bạo hành, để xây dựng hạnh phúc gia đình, sống hòa thuận cho đến nay.

Để nâng cao hiệu quả mô hình, theo anh Hoàng Thanh Tùng, thành viên Ban quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy” của xã Tân Long, cần tổ chức kết nối giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp trong xử lý, ứng phó với các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ ngay tại cộng đồng.

Còn chị Nông Thị Theo, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) cho biết: Kinh nghiệm tại “Địa chỉ tin cậy” của thôn là thường xuyên nắm bắt thông tin các hộ có những bất hòa nhỏ trong gia đình để có giải pháp giúp họ tháo gỡ ngay từ đầu. Nhờ đó, năm qua, trên địa bàn thôn không có nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Tươi Minh chia sẻ: Thời gian tới các cấp Hội phụ nữ sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin về mục đích và nơi đặt “Địa chỉ tin cậy” tại đâu để mọi người dân biết; phát triển thêm thành viên mới, duy trì và nhân rộng “Địa chỉ tin cậy”; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tới cộng đồng về bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân và gia đình; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng tư vấn, hỗ trợ nạn nhân; kỹ năng giao tiếp cho các thành viên trong Ban quản lý. Đặc biệt, làm tốt công tác biểu dương, tuyên truyền các cách làm hay, mô hình điển hình để nhân rộng...

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục