Người dân mua sắm tại một chợ ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giai đoạn lãi suất thấp kéo dài, tình hình địa chính trị ít biến động được xem là những yếu tố then chốt giúp nền kinh tế thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, những trụ đỡ quan trọng này đã bị lung lay. Cơn bão lạm phát với sức tàn phá lớn đổ bộ hàng loạt quốc gia, xóa sổ nhiều thành quả phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tỷ lệ lạm phát tại các nước liên tục cán mốc kỷ lục mới.
Mới đây nhất, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, giá năng lượng và lương thực tăng đã đẩy lạm phát tháng 10 lên mức cao nhất trong 41 năm qua. Tại Nhật Bản, tỷ lệ lạm phát tháng 10 vừa qua tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2021, chạm mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Dù cao kỷ lục, song lạm phát ở Nhật Bản hiện vẫn thấp hơn nhiều nước khác. Bên cạnh lạm phát, những căng thẳng liên quan xung đột Nga-Ukraine cũng đẩy giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, kinh tế thế giới đang đối mặt rất nhiều thách thức và hầu hết nguy cơ đến từ những bất ổn địa chính trị, cũng như lạm phát. Người đứng đầu WTO nhận định, dù suy thoái không diễn ra ở mọi nơi, song một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào tình trạng này. Trên thực tế, giới chức Anh vừa xác nhận, nền kinh tế Anh đã chính thức suy thoái.
Cơ quan Thống kê liên bang Nga cũng công bố số liệu sơ bộ cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong quý III/2022 giảm 4%, sau khi ghi nhận mức giảm tương tự trong quý II. Trong khi đó, Công ty dịch vụ tài chính J.P.Morgan dự báo, kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ vào nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Theo Bloomberg, một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới hiện nay là tình trạng lạm phát tăng cao. Do lạm phát toàn cầu nghiêm trọng và kéo dài hơn so dự báo ban đầu, nhiều ngân hàng trung ương đã mạnh tay tăng lãi suất. FED là ngân hàng trung ương đi đầu trong cuộc chiến chống lạm phát, với việc nâng lãi suất tiêu chuẩn tới sáu lần trong năm 2022, trong đó có bốn lần liên tiếp tăng 0,75 điểm phần trăm.
Các ngân hàng trung ương của Anh, Australia, Canada… và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng triển khai các biện pháp tương tự. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, cái giá phải đánh đổi là sự sụt giảm đà tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp tăng và các ảnh hưởng tiêu cực khác lên thị trường chứng khoán, bất động sản.
Bên cạnh lạm phát, những rủi ro về nợ công cũng là gánh nặng đối với nền kinh tế thế giới. Bốn thập niên trở lại đây, lãi suất nói chung được duy trì ở mức thấp trên toàn cầu. Theo Bloomberg, do chi phí đi vay thấp, các khoản nợ chính phủ ngày một phình to. Tính đến năm 2022, tổng nợ công của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tăng lên tương đương 128% GDP, từ mức 81% vào năm 2007.
Tuy nhiên, khi lãi suất tăng mạnh như hiện nay, nếu không sớm điều chỉnh chính sách tài khóa, một số nền kinh tế có nguy cơ rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, khoảng 25% thị trường mới nổi và hơn 60% quốc gia thu nhập thấp đang hoặc gần kiệt quệ do nợ nần.
IMF nhấn mạnh, đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ ảm đạm hơn trong thời gian tới, nhất là tại châu Âu. Theo đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang yếu đi tại hầu hết các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang.
Lạm phát cao kéo dài có thể buộc các nước tiếp tục theo đuổi chính sách tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, qua đó siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. Để xua đi những đám mây đen đang che mờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, giới phân tích kêu gọi các nước củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, sớm giải quyết vấn đề nợ của các quốc gia đang phát triển và tăng cường khả năng phục hồi.
Gửi phản hồi
In bài viết