Linh hoạt tháo gỡ khó khăn
UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ. Theo đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương, Sở Công thương đã tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm như: Công ty CP Giấy An Hòa, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, Công ty CP Woodsland Tuyên Quang, Công ty TNHH Hirtap, Công ty TNHH Feldspat An Bình… để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh. Qua đó, tham mưu với UBND tỉnh giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp. Sở cũng đã giới thiệu, hướng dẫn hồ sơ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị từ nguồn ngân sách Trung ương, đồng thời triển khai hiệu quả các đề án, chính sách khuyến công cùng nhiều hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy cung cầu trên thị trường.
Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết trồng ớt xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: Quốc Việt
Ngành Thuế, Ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, giãn nợ… Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, ngành Thuế tỉnh đã triển khai chính sách giảm thuế giá trị gia tăng số tiền 25 tỷ đồng, giảm thuế bảo vệ môi trường với số tiền trên 132 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất số tiền trên 15 tỷ đồng và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất với số tiền 91 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng mức đầu tư cho 4 dự án, toàn tỉnh có thêm 6 dự án hoàn thành và đưa vào sản xuất, nâng tổng số dự án đi vào sản xuất là 266 dự án, tạo việc làm cho khoảng 45 nghìn lao động, trong đó nhiều dự án nộp ngân sách lớn.
Anh Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chính Hòa cho rằng, tỉnh đã rất linh hoạt tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Việc tích cực kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư từ Trung ương và kêu gọi đầu tư nguồn vốn nước ngoài vào tỉnh đã góp phần hiệu quả đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tạo ra nhiều việc làm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đã chủ động triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của HĐND, UBND tỉnh để phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá nông sản địa phương. Đồng thời chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, duy trì sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm, với nhiều sự kiện du lịch lớn được tổ chức thành công đã góp phần thúc đẩy doanh thu xã hội từ du lịch.
Từ những giải pháp linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được giải quyết một cách căn cơ, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,55%
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 2/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 1/11 tỉnh miền núi phía Bắc và xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,64%, công nghiệp và xây dựng tăng 10,8%, dịch vụ tăng 7,35%...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 4,51% so với cùng kỳ năm 2022. Một số chỉ tiêu tăng mạnh là sản lượng thủy sản tăng 8,1%, khai thác gỗ rừng trồng tăng 3,6%.
Sản xuất bao bì tại Công ty TNHH MTV Bao bì DHT, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương). Ảnh: Hồng Lĩnh
Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại cũng đạt những kết quả ấn tượng. Riêng doanh thu xã hội từ du lịch đạt 2.085 tỷ đồng, tăng 68,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 21,8%.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục tạo ra những bước phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,8% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ như: Bột barit, thép thành phẩm, bột felspat, giấy đế xuất khẩu, giấy in phô tô thành phẩm, gỗ tinh chế...
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 6 nhìn lại kết quả 6 tháng và đề ra giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn có hạn chế trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng chí đề nghị các cấp, ngành nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án, góp phần tăng thu ngân sách, đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo sản xuất nông, lâm nghiệp, phòng chống thiên tai.
Bức tranh kinh tế trong 6 tháng đầu năm với những kết quả ấn tượng đã cho thấy các cấp, ngành, các địa phương đã chủ động bắt tay triển khai công việc từ sớm với quyết tâm cao nhất. Tuy vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, giá trị xuất khẩu, song những kết quả đạt được chính là tiền đề quan trọng để kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết