Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận - Chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh Công Thử)
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, hàng loạt biến cố khó lường xuất hiện như xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao và lan rộng khắp toàn cầu, cùng tác động dịch bệnh dai dẳng,… đã đẩy kinh tế thế giới quay lại nguy cơ suy thoái.
Tác động xấu từ bên ngoài lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi của các ngành kinh tế Việt Nam. Chỉ một số ít ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp duy trì được tăng trưởng, còn lại hàng loạt ngành kinh tế khác bị lỡ nhịp phục hồi, thậm chí một số ngành tiếp tục phải đối mặt nhiều khủng hoảng mới.
Bài 1: Nông nghiệp chớp thời cơ
Năm 2021, ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến giao thương hàng hóa trong nước và quốc tế, ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả kỷ lục 48,6 tỷ USD. Năm 2022, các ngành sản xuất và xuất khẩu nông sản mũi nhọn của Việt Nam tiếp tục nắm bắt cơ hội, chuyển mình bứt phá mạnh mẽ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt hơn 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm nay sẽ “cán mốc” 55 tỷ USD, cao hơn mức Chính phủ giao 5 tỷ USD.
Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, sau đại dịch Covid-19, nỗi lo về sức khỏe đã tác động đến nhu cầu ăn uống của người tiêu dùng trong nước và toàn thế giới. Họ chú trọng các sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch; quan tâm việc ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Cộng thêm xu hướng làm việc tại nhà, tiết kiệm chi phí sau đại dịch cũng khiến nhiều người hạn chế ăn uống bên ngoài, cần sản phẩm tốn ít thời gian chế biến nên gia tăng nhu cầu sản phẩm chế biến sâu, đa dạng, đa chức năng. Từ góc nhìn nghiên cứu, ông Nguyễn Quốc Vọng, Trường Khoa học Ứng dụng (Đại học RMIT, Australia) thông tin:
Đại dịch Covid-19 cho thấy chuỗi cung ứng thực phẩm tươi dễ hư hỏng, chỉ phù hợp tiêu dùng nội địa, trong khi thực phẩm chế biến bảo quản được lâu nên đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế. Hiện nay, ngành thực phẩm chế biến đang có tốc độ tăng trưởng lớn, thị trường chế biến thực phẩm dự báo sẽ đạt khoảng 4.100 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 4,3% (theo báo cáo của Global Food Processing Market). Riêng thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Tương lai thị trường chế biến thực phẩm đầy hứa hẹn với nhiều cơ hội cho các ngành đồ uống, sữa, thịt, thức ăn tiện lợi, đồ ăn nhẹ, trái cây, rau quả, thủy sản,...
Trong đó, phân khúc trái cây và rau quả chế biến sẽ có mức tăng trưởng cao nhất do xu hướng của giới tiêu dùng thích thực phẩm chay và gia tăng nhu cầu bổ sung thức ăn siêu thực phẩm, thực phẩm chức năng sau đại dịch Covid-19.
Bắt nhịp xu thế đó, trong hai năm 2021 và 2022, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đã đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu. Về sản phẩm nước dừa tiệt trùng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ: Công ty dùng công nghệ UHT để tiệt trùng đối với nước dừa, bảo đảm vẫn giữ được độ tươi ngon đến 90%.
Thực tế, mức thu nhập của người dân sau đại dịch hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sụt giảm, nhưng một điều thú vị là họ lại “mạnh tay” chi cho các sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất nên phân khúc này hứa hẹn còn phát triển khá mạnh trong thời gian tới. Còn Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt, sở hữu những dòng sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao như bột trái cây nguyên chất, các dòng dược liệu quý dạng bột hòa tan, nước ép trái cây cô đặc, nước ép tiệt trùng UHT,... tất cả được giữ nguyên đến 95% mùi vị, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Trí cho biết: Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về các sản phẩm chế biến sâu, dinh dưỡng cao lại chính là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều mặt hàng. Cụ thể, các sản phẩm giàu vitamin như bột chanh leo thật sự “lên ngôi” do có thể tạo kháng thể, tăng sức đề kháng, sản phẩm này đang có sức hút rất lớn, nhất là tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, do nhu cầu chế biến ăn uống tại nhà, các sản phẩm gia vị, rau củ sấy khô cũng có nhiều dư địa phát triển. “Công ty đang có đơn đặt hàng từ Hàn Quốc với 1.000 tấn hành lá đông lạnh. Với công nghệ cấp đông mềm (không đóng đá) nên các loại gia vị không bị hư hỏng, dập nát. Ngoài ra, thị trường châu Âu cũng có kế hoạch đặt 80 tấn rau sấy khô/tháng, công ty đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến để đáp ứng các đơn hàng này trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.
Bên cạnh ngành hàng rau củ quả, xuất khẩu thủy sản cũng đang tận dụng được nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch. Tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so cùng kỳ năm 2021, dự kiến cả năm sẽ thiết lập kỷ lục 11 tỷ USD. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng Trần Văn Phẩm cho biết: 10 tháng năm 2022, doanh số của công ty tăng hơn 15% với các sản phẩm tôm xuất khẩu.
Các sản phẩm tôm đông lạnh rất tiện lợi cho trữ đông để chế biến nhanh nên người tiêu dùng mua khá nhiều sau dịch. Ngoài ra, tôm là sản phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày của nhiều quốc gia, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên cũng là lợi thế đáng kể trong bối cảnh người dân quan tâm đến sức khỏe trong thời điểm hậu Covid-19.
Sản phẩm cá tra cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do có giá bán cạnh tranh hơn nhiều loại thủy, hải sản khác, được ưu tiên lựa chọn trong điều kiện phần lớn người tiêu dùng trên toàn cầu có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì bị giảm thu nhập do tác động của dịch Covid-19 và nhiều yếu tố kinh tế khác.
“Lực đẩy” sản xuất và chế biến chuyên nghiệp
Các cơ hội xuất khẩu nông sản sau dịch Covid-19 đang trở thành “lực đẩy” cho nhiều ngành sản xuất nông nghiệp trong nước hướng tới chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn. Công ty cổ phần Vinamit hiện có sản phẩm mít non “La Moi Vinamit” được gọi là thịt thực vật làm từ mít non, đang xuất khẩu mạnh sang nhiều thị trường.
Đây không chỉ là sản phẩm dành cho người ăn chay mà còn tốt cho sức khỏe nói chung trong xu thế tăng cường dùng các sản phẩm từ thực vật. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Lâm Viên cho biết: “Xu hướng của các công ty châu Âu, Mỹ, Trung Quốc cũng dùng mít non để chế biến thịt thực vật, nên đây sẽ là cơ hội lớn để phát triển vùng trồng mít tại Việt Nam, bởi đó không chỉ là nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến trong nước mà còn có thể cung cấp cho các đối tác nước ngoài”.
Xu hướng này đang tạo ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩm mít nói chung, giải quyết được tình trạng phải “giải cứu” mít nhiều lần xảy ra những năm vừa qua. Hay như từ trái dừa tươi Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã tạo ra đa dạng các sản phẩm chế biến, từ thực phẩm (cơm dừa sấy khô, bột dừa, bơ dừa…), nước giải khát (nước dừa tươi, sữa dừa…), mỹ phẩm (dầu dừa) đến các sản phẩm khác như snack dừa, cám dừa,… Khi các sản phẩm này được xuất khẩu ngày càng nhiều, chính là “cánh cửa” mở ra triển vọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ ở Bến Tre mà còn các vùng lân cận.
Với quả chanh leo cũng vậy, nhờ đặc tính chứa nhiều vitamin, khi thị trường gia tăng nhu cầu, tác động thúc đẩy sản xuất trong nước; đồng thời cũng là động lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào “cuộc đua” chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm sử dụng tiện lợi, nhanh gọn, nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Trước thực tế đó, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho biết: “Xu hướng tiêu dùng sau dịch Covid-19 đang thay đổi rất nhiều, tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, những sản phẩm tinh, chất lượng, linh hoạt, đa dụng…
Thực tế đó buộc chúng ta phải chuyển động để đáp ứng theo hướng đẩy mạnh công nghệ chế biến. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định tập trung xúc tiến đầu tư cho bốn khu vực chế biến như: các nhà máy chế biến lớn; cơ sở chế biến vừa và nhỏ; đầu tư cơ sở chế biến phế phụ phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; các trung tâm kết nối logistics nông sản, từ đó phát huy năng lực, giá trị của chế biến, bảo quản nông sản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng cần phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường thế giới”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT) đề xuất: Việt Nam cần xây dựng một khu nông nghiệp cao về thực phẩm chế biến để nghiên cứu và phát triển các loại thực phẩm chế biến mới, an toàn vệ sinh. Hiện nay, triển khai Đề án “Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ” nhằm hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với ba nhà (nhà nông, nhà sản xuất, nhà xuất nhập khẩu), khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm chính là xây dựng mô hình chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm.
Như vậy, trong Trung tâm này, có thể đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao để vừa phục vụ yêu cầu về phát triển nông nghiệp trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu mới về chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm của thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết