Ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong các khâu sản xuất là lựa chọn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận cách mạng 4.0. Trong đó, tự động hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất, nền tảng công nghệ 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có thể kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với quy mô đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và tiếp cận công nghệ còn hạn chế, việc để doanh nghiệp bắt kịp làn sóng công nghệ mới đòi hỏi doanh nghiệp cần nỗ lực thay đổi trình độ quản trị doanh nghiệp, sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới và biến nó thành động lực phát triển, đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp của mình. Với người lao động đòi hỏi cần phải nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ; làm chủ được thiết bị, máy móc để nâng cao năng suất lao động. Theo đại diện các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp như tiềm lực cơ sở vật chất, trình độ và tay nghề của người lao động…
![]() Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu tự động hóa khâu bốc xếp gạch, nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Hải Hương |
Trước yêu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã đầu tư dây chuyền tự động hóa một số khâu trong quá trình sản xuất. Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, trong 2 - 3 năm trở lại đây, đơn vị đã đầu tư hệ thống cân đóng bao; thiết bị điều khiển ép; máy ly tâm tự động; hệ thống điều khiển lò hơi; hệ thống điện tại nhà máy điện sinh khối… Việc tự động hóa đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo báo cáo của đơn vị, trong tổng số 48.416 tấn đường kính trắng niên vụ 2017 - 2018, đường chất lượng cao đạt 21.144 tấn; đường loại 1 đạt 25.602 tấn… Bên cạnh việc đầu tư cho dây chuyền sản xuất, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đang tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với từng địa bàn để giảm nhanh lao động thủ công; xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tưới chủ động tại các vùng trọng điểm ở Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và Chiêm Hóa…
Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu - một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch lớn và lâu năm của tỉnh, vốn có truyền thống về sử dụng lao động thủ công cũng đã bắt nhịp với tự động hóa trong một số khâu sản xuất. Bà Phạm Thị An, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để giảm bớt số lượng lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động, Công ty đã đầu tư máy nâng, đầu kéo palet hỗ trợ tạo hình, vận chuyển gạch mộc, bốc xếp sản phẩm… Từ khi đầu tư máy nâng xếp tự động, năng suất lao động tăng lên trên 30%, số lượng lao động trong khâu này giảm hơn 20 người. Tuy nhiên, theo bà An, việc tiếp cận các công nghệ hiện đại tại đơn vị hiện vẫn còn hạn chế do tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp chưa đủ mạnh.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, việc tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối hạn chế. Nguyên nhân là do trình độ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nhiều doanh nghiệp không hiểu được bản chất của cách mạng 4.0; không thấy được sự liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình; không sẵn sàng về năng lực để tiếp cận công nghệ; từ đó không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh để bắt kịp xu thế… Bà Phạm Thị An, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Viên Châu cho rằng, với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì việc đầu tư cho công nghệ hiện đại, tiên tiến đòi hỏi phải có một quá trình chuẩn bị chu đáo, nếu có sự vào cuộc hỗ trợ của các đơn vị liên quan về vốn hoặc thiết bị công nghệ, thì sẽ dễ dàng hơn.
Với vai trò của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thường xuyên kết nối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các viện nghiên cứu mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các lớp về quản trị doanh nghiệp, phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu…
Gửi phản hồi
In bài viết