Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông, lâm sản tiếp tục đà tăng trưởng

TQĐT - Theo báo cáo của Sở Công thương, ước tính tổng giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt 78,6 triệu USD, đạt 115,4% kế hoạch năm. Thêm 1 năm kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng vững chắc, nhất là các mặt hàng nông, lâm sản.

Năm 2018, ngành xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt mức trên 9,4 triệu USD, chiếm hơn 12,3% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp, khoáng sản. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu tỉnh ta có lượng lâm sản đồ gỗ xuất khẩu lớn nhất, kim ngạch xuất khẩu cao nhất.  


Công nhân Nhà máy gỗ ván, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang
làm việc khẩn trương để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Các thị trường chính xuất khẩu lâm sản là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, Ấn Độ chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu lâm sản của tỉnh. Việt Nam và EU đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi Lâm luật, quản trị Rừng và thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT), mở ra cơ hội rất lớn cho đồ gỗ Việt Nam nói chung và Tuyên Quang nói riêng xuất khẩu sang EU và các nước trên thế giới.

2 doanh nghiệp sản xuất lâm sản và đồ gỗ xuất khẩu lớn nhất là Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thời điểm này đang hoạt động hết công suất thiết kế. Ông Lê Chí Thanh, Giám đốc nhà máy gỗ ván, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, thời điểm này nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tăng cao, do đó nhà máy phải làm việc liên tục để hoàn thành đơn đặt hàng của đối tác. Trung bình mỗi ngày, nhà máy sản xuất khoảng 40 m3 gỗ ván để xuất khẩu vào thị trường các nước Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ. Không chỉ có nhà máy gỗ ván, 3 nhà máy khác của công ty, gồm: Nhà máy chế biến gỗ Thái Bình, nhà máy gỗ băm dăm, nhà máy chế biến gỗ Yên Sơn cũng đang tập trung để hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu. Sản phẩm gỗ ván của công ty đã xuất khẩu thẳng vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc; đối với các sản phẩm gỗ thanh, gỗ băm dăm sẽ được xuất khẩu qua khâu trung gian là Tập đoàn bán lẻ gỗ hàng đầu Châu Âu (AIKEA). 


Sản phẩm chè xuất khẩu của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm.

Sản phẩm chè của tỉnh năm 2018 cũng đã xuất khẩu được gần 3.000 tấn, bằng 123,7% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh nghiệp có lượng chè xuất khẩu lớn nhất vẫn là Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm với gần 1.900 tấn, chiếm 63,3% sản lượng chè xuất khẩu của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Chuyền, Phó Giám đốc Công ty cho biết, các sản phẩm chè xanh, chè đen, chè túi lọc của công ty đã có được vị trí vững chắc tại thị trường các nước Trung Đông, Nhật, Đài Loan, Mỹ, Nga... Mục tiêu năm 2019, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 2.100 tấn chè. Để đạt mục tiêu này, công ty tiếp tục đổi mới dây chuyền chế biến, áp dụng quy trình nông nghiệp an toàn bền vững trong chăm sóc và thu hái theo đúng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững Rainforet Anlliance. 

Năm 2019, được đánh giá là năm kinh tế thế giới tiếp tục có những khởi sắc, song vẫn tiềm ẩn những khó khăn lớn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm sản cần liên kết hợp tác với các tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất nguyên liệu bảo đảm chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến; cải tiến, đổi mới dây chuyền để tạo ra sản phẩm có mẫu mã, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường khó tính nhưng bền vững như Châu Âu, Nhật Bản...

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục