Phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới

- Thường trực Tỉnh ủy đã họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một trong những nghị quyết quan trọng, bảo đảm công nghiệp phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách địa phương.

5 năm qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng. Tỉnh đã thu hút 37 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; hình thành 2 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp, tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, quy mô sản xuất còn nhỏ, đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn… Do đó, yêu cầu đặt ra trong phát triển công nghiệp giai đoạn mới của tỉnh là ưu tiên cho những ngành có tiềm năng, lợi thế, có giá trị kinh tế và có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tăng cả về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh cao như chế biến nông lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện; dệt may, da giày...

Công ty cổ phần Woodsland có 4 nhà máy chế biến gỗ, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển công nghiệp thời gian qua, tỉnh đề ra mục tiêu trong 5 năm tới, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 5 năm đạt 14%, cơ cấu lao động ngành công nghiệp chiếm 25,8%, tương đương 127.900 lao động; cơ cấu ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 24,7%. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh phấn đấu thành lập mới 2 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế và Khu công nghiệp trên trục đường kết nối tỉnh Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An; thành lập mới 5 cụm công nghiệp.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương trong thời gian tới là tổ chức đánh giá lại việc phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có; xem xét, điều chỉnh mở rộng không gian ở những nơi phù hợp để ưu tiên phát triển mô hình khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị, khu công nghiệp sinh thái, mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An. Đồng thời, quy hoạch rõ ngành nghề trong các khu, cụm công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đây là lợi thế lớn để mở mới các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển đô thị động lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Quan điểm của tỉnh là không phát triển công nghiệp bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy dự án mà tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện với môi trường. Do đó, tỉnh chú trọng đầu tư hiện đại hóa công nghệ sản xuất công nghiệp ở tất cả các ngành nghề, nhất là lĩnh vực tỉnh có lợi thế như chế biến nông lâm sản, cơ khí, chế tạo, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, tỉnh thu hút các nguồn vốn trong nước, nước ngoài, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển nguồn điện như thủy điện, năng lượng điện sinh khối, năng lượng gió.

Với các mục tiêu và giải pháp đề ra cho giai đoạn tới, công nghiệp sẽ có bước phát triển phù hợp và bền vững hơn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thực hiện tốt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục