Siết chặt công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường

- Kiểm soát khí thải, khói bụi, nước thải trong sản xuất công nghiệp, triển khai nhiều mô hình phòng chống rác thải nhựa, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải sinh hoạt tập trung… đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh đề ra mục tiêu giảm rác thải chôn lấp chưa qua xử lý xuống dưới 30% vào năm 2025.

Kiểm soát chặt chất thải công nghiệp

Toàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp, trong đó có 82 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, trên 70 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phân bố tại 2 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp phân bố đều ở các huyện, thành phố có phát sinh chất thải công nghiệp như khí thải, khói, bụi, nước thải.

Công ty cổ phần Giấy An Hòa được đánh giá thực hiện tốt các giải pháp xử lý chất thải. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, xác định phát triển sản xuất bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường nên đơn vị đã tiến hành cải tạo tất cả các công đoạn của hệ thống xử lý nước thải, từ đầu vào, tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Cụ thể: Cải tạo, bổ sung tháp làm mát nhằm ổn định nhiệt độ đầu vào; bổ sung hệ thống sục khí tại bể cân bằng để tăng hiệu quả xử lý vi sinh; cải tạo trong nhà máy giúp giảm thiểu lưu lượng và tải lượng chất thải ra; sử dụng các chất lắng cho xử lý màu và giảm chỉ số đánh giá nước thải sau vi sinh.

Sau khi xử lý, các chỉ số đánh giá nước thải, màu và hàm lượng chất rắn trong nước thải của nhà máy luôn đạt tiêu chuẩn loại A - Quy chuẩn Việt Nam QCVN12-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy và giấy. Năm 2017, công ty lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát nước thải của nhà máy. Cứ mỗi 5 phút, hệ thống tự động này sẽ truyền trực tiếp kết quả quan trắc nước thải sau xử lý về phòng điều khiển của nhà máy và trung tâm kiểm soát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.

Hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần Giấy An Hòa đạt tiêu chuẩn loại A.

Tính đến tháng 4-2022, toàn tỉnh có 5 nhà máy của 5 doanh nghiệp có lắp đặt quan trắc tự động là Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang, Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Công ty Gang thép Tuyên Quang. Đối với các đơn vị này, cứ 5 phút các dữ liệu về môi trường tại nhà máy sẽ được chuyển về Sở Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đối với các đơn vị khai thác khoáng sản sẽ thực hiện quan trắc 3 tháng/lần để đánh giá tác động môi trường; các đơn vị kinh doanh có điều kiện như kinh doanh xăng dầu, lâm sản… sẽ thực hiện quan trắc 6 tháng/lần. Với những biện pháp này, cơ bản chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ.

Đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Công tác bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp luôn được ngành chú trọng thực hiện, đặc biệt trong việc kiểm soát chặt chẽ các chất thải. Hàng năm, ngành có kế hoạch tăng cường kiểm soát môi trường của các đơn vị hoạt động sản xuất công nghiệp; hướng dẫn các đơn vị phân loại các chất thải, dán nhãn theo quy định đối với các loại rác thải nguy hại, tìm các đơn vị có đủ chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý và cam kết xử lý nghiêm túc đúng theo hồ sơ môi trường được cấp phép.

Bên cạnh đó, sở có văn bản yêu cầu các công ty trong khu, cụm công nghiệp hoạt động, mở sổ theo dõi các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động có phát sinh chất thải nguy hại như nước thải, khói, bụi; yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt quan trắc tự động để truyền tải dữ liệu 24/24 về sở theo dõi. Vì vậy, các sự cố của các đơn vị này được phát hiện và xử lý kịp thời. Các trường hợp vi phạm tiến hành xử phạt và bắt buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với các dự án công nghiệp đầu tư mới vào tỉnh, nếu có tác động đến môi trường sẽ phải xây dựng phương án tác động môi trường mới được triển khai xây dựng.  

Từ 2021 đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 23 vụ việc; xử phạt 29 đơn vị không có báo cáo bảo vệ môi trường. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 công ty là Công ty TNHH Thương mại ô tô Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Ý, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Bảo Ngọc, Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang vì liên quan đến lĩnh vực khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 3,3 tỷ đồng, mức cao nhất đối với xả khí, bụi vượt ngưỡng cho phép ra môi trường đối với Công ty xi măng Tân Quang và yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm.

Hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý rác thải

Hiện nay rác thải phát sinh chủ yếu từ hoạt động của hộ gia đình, trường học, chợ, cơ quan hành chính, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ… Trung bình mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn phát sinh gần 180 tấn. Trong đó, khu vực thành thị trên 114 tấn/ngày, khu vực nông thôn trên 64 tấn/ngày. Hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh vẫn theo cách làm truyền thống thủ công, bán cơ giới; thiếu trang thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển sau phân loại. Rác thải sau khi thu gom về sẽ xử lý theo hình thức chôn lấp, về lâu dài, đây là bài toán đối với các địa phương khi quỹ đất chôn cất rác có hạn, gây ô nhiễm.

Ủy ban MTTQ thị trấn Sơn Dương hỗ trợ thùng chứa rác sinh hoạt cho hộ dân tổ dân phố Bắc Trung.    

Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100%  chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn, 96% chất thải rắn thông thường được sử lý đạt tiêu chuẩn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xây dựng hạ tầng từ điểm tập kết, điểm trung chuyển, bãi rác, nhà máy xử lý rác thải tập trung ở thành phố Tuyên Quang và các vùng phụ cận, các huyện để giảm rác thải chôn lấp chưa qua xử lý xuống dưới 30% vào năm 2025.

Theo đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì việc thu gom và xử lý rác thải phải đi đôi với nhau; đơn vị thu gom phải xây dựng được phương án thu gom theo phân loại rác, thống nhất giờ thu gom trên từng khu vực. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về phân loại rác thải tại nguồn gắn với các phong trào địa phương phát động như “Tuyên Quang chung tay xử lý và chống rác thải nhựa”, “5 không 3 sạch”, “đồng ruộng sạch, sản xuất an toàn”… thay đổi nhận thức về tác hại của rác thải đối với môi trường sống thì việc xử lý rác thải mới thực sự hiệu quả.

Là đơn vị thu gom rác chính trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và quản lý đô thị Tuyên Quang đã bắt đầu thay đổi cách thu gom, vận chuyển rác thải. Bà Nguyễn Thị Linh Nhâm, Giám đốc cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị thu gom khoảng 90 - 100 tấn rác và hiện lượng rác thải vẫn chưa thể phân loại bởi phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, trước mắt, đơn vị đã lắp đặt hơn 30 thùng rác 2 ngăn tại các điểm công cộng. Mục tiêu trong những năm tới sẽ lắp đặt hơn 5.000 thùng rác 2 ngăn tại các khu dân cư, đồng thời đầu tư thêm xe chở rác để ép rác sinh hoạt riêng và ép rác thải hữu cơ riêng…

Siết chặt quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong những năm tới, đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, sở tăng cường công tác hậu kiểm các công trình bảo vệ môi trường, chất lượng khí thải, nước thải của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; điều tra, đánh giá sức chịu tải của nguồn nước sông, ngòi, ao, suối để tham mưu cho UBND tỉnh về phương án sử dụng, bảo vệ nguồn nước; đánh giá đầy đủ thực trạng chất thải rắn để xây dựng phương án xử lý hiệu quả…    

 Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục