Tập trung nguồn lực triển khai chương trình kinh tế trọng điểm

TQĐT - Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực triển khai các dự án kinh tế trọng điểm.

Tập trung phát triển hạ tầng

Trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018, tổng số vốn đã giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản toàn tỉnh đạt trên 2.383,6 tỷ đồng. Hiện tỉnh thực hiện các thủ tục đầu tư dự án đường kết nối thành phố Tuyên Quang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức BOT và một số công trình, dự án khác theo kế hoạch; đồng thời đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị theo kế hoạch. 


 Niềm vui của người dân thôn Khuân Hang (Hòa Phú) bên nhà văn hóa mới hoàn thành
vào tháng 11-2017. Ảnh: Minh Hoàng

Tỉnh tập trung thu hút nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, môi trường, nguyên liệu... cho doanh nghiệp. Đến nay, một số dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành như: Dây chuyền sản xuất thép cán của Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang; nhà máy sản xuất viên gỗ nén của Công ty cổ phần Năng Lượng xanh An Hòa; Nhà máy điện sinh khối mía đường Tuyên Quang, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Vàng, Nhà máy thủy điện Yên Sơn; Nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) đang được đẩy nhanh tiến độ.

Với mục tiêu dành nguồn lực cao nhất cho đầu tư phát triển, tỉnh cũng đã ưu tiên dành nguồn vốn phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn, trọng tâm là đã giải ngân trên 582 tỷ đồng cho hai dự án xây dựng cầu và đường dẫn cầu Bình Ca và cầu Tình Húc.  

Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Hàng năm, từ các nguồn lực, tỉnh đã tập trung đầu tư có hiệu quả cho nông nghiệp, nông thôn. Năm 2017, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt trên 2.201,8 tỷ đồng. Có 343 trang trại được hỗ trợ cho vay 108,4 tỷ đồng theo Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh; 3.167 hộ được hỗ trợ cho vay 152,2 tỷ đồng theo Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh; hỗ trợ trên 244,2 tỷ đồng thực hiện đề án kiên cố hóa kênh mương, trên 87 tỷ đồng đề án xây dựng nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03/2016 của HĐND tỉnh.


Sản phẩm đường kính trắng của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Ảnh: Đoàn Thư

Nhiều vùng quê đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2017, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng 7 xã so với năm 2016. Tỉnh phấn đấu năm 2018 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất với 12,8 tỷ đồng thực hiện tại 31 xã; 2,2 tỷ đồng hỗ trợ 22 hợp tác xã phát triển nông nghiệp, thủy sản và nguồn vốn vay tín dụng của nhân dân, các xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, tập trung vào một số lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản, lợn, vịt đặc sản; trồng chè, cây ăn quả. 

Từ chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong hai năm 2016, 2017, toàn tỉnh đã kiên cố hóa  được 230,82 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; 160,97 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa được bê tông và hoàn thành xây dựng 242 nhà văn thôn, bản, tổ dân phố đưa vào sử dụng.  Các địa phương đang tiến hành rà soát, tập trung nguồn lực phấn đấu năm 2018 hoàn thành 100,54 km đường giao thông nội đồng, 275 km kênh mương bằng cấu kiện, hoàn thành 159 nhà văn hóa thôn bản gắn với sân thể thao và khuôn viên.

Tập trung các nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình kinh tế trọng điểm đã mở ra cơ hội việc làm cho người lao động, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2020 tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục