Chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi: Tái đàn có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học

- Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tại một số trang trại, hộ gia đình chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là việc tái đàn phải có kiểm soát và bảo đảm an toàn sinh học cho cả quá trình nuôi mới đem lại hiệu quả.

Chiêm Hóa là huyện đầu tiên phát sinh ổ DTLCP. Sau 4 tháng nỗ lực và bằng mọi biện pháp ngăn chặn, đến nay huyện đã cơ bản khống chế được dịch. Tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, 6 xã gồm: Yên Nguyên, Tri Phú, thị trấn Vĩnh Lộc, Hòa Phú, Tân Mỹ, Vinh Quang đã qua 50 ngày không phát sinh thêm ổ dịch.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Vũ Văn Tiến, thành viên HTX chăn nuôi lợn an toàn sinh học Libio Tiến Dũng, thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận (Yên Sơn) vẫn an toàn.

Ông Nguyễn Văn Thập, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, tháng 5 vừa qua, đàn lợn của gia đình đã bị nhiễm dịch phải đưa đi tiêu hủy. Từ đó đến nay trên địa bàn thôn không xảy ra dịch bệnh nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi lợn trở lại. Tuy vậy, ông Thập vẫn rất cẩn thận khi chọn con giống, giống lợn phải sạch bệnh, có địa chỉ rõ ràng mới dám bắt về nuôi.

Tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương, nhiều chủ trang trại, hộ gia đình sau 1 thời gian tạm dừng nuôi lợn do dịch thì nay cũng đã tái đầu tư chăn nuôi. Ông Nguyễn Cao Trí, thôn Ninh Tân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) cho biết, dù không bị thiệt hại do DTLCP nhưng gia đình cũng phải giãn lứa, như trước kia cứ xuất chuồng lứa lợn này thì ông đã mua lứa khác gối ngay. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua, DTLCP diễn biến phức tạp, ông Trí không dám mạo hiểm nuôi ngay mà để trống chuồng. Đầu tháng 9, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, gia đình ông mới đầu tư chăn nuôi trở lại. 

Nhân viên thú y xã Trung Yên (Sơn Dương) kiểm tra đàn lợn giống mới được mua về
tại hộ dân thôn Yên Thượng.

Đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, DTLCP đã cơ bản được kiểm soát, hiện đã có 31 xã đã qua 40 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Do đó, việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương giám sát, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn sinh học (từ môi trường nuôi, con giống, phòng trừ bệnh, giết thịt và tiêu thụ).

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh DTLCP diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước. Trải qua 4 tháng DTLPC xảy ra trên địa bàn, từ thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch như mô hình chăn nuôi lợn của Hợp tác xã chăn nuôi lợn an toàn sinh học Libio Tiến Dũng, xã Tứ Quận (Yên Sơn); mô hình chăn nuôi lợn VietGAP của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) vẫn an toàn.

Tình trạng chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán chiếm tỷ lệ cao; kiểm soát dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với DTLCP chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao. Do đó, dù DTLCP đã cơ bản được kiểm soát, các địa phương, người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, phải duy trì vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc để cắt đường lây truyền virus từ môi trường vào đàn lợn giống mới nuôi.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục