Mở rộng vùng trồng cà gai leo

- Với đặc điểm dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, cây cà gai leo đang được nhiều hộ dân ở huyện Sơn Dương lựa chọn là cây trồng chính để phát triển kinh tế. Hiện nay, các địa phương đang mở rộng diện tích, áp dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng cơ sở chế biến nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2018, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một số hộ dân của xã Hợp Hòa (Sơn Dương) đã chuyển đổi gần 10 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây cà gai leo. Sau hai năm trồng thử nghiệm cho thấy, hiệu quả kinh tế từ loại cây dược liệu này cao gấp 5 - 6 lần so với cây ngô, sắn. Mỗi năm, cà gai leo có thể thu hoạch được 2 - 3 vụ, mỗi ha cho năng suất khoảng 2 - 3 tấn/vụ, mang lại thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, trồng cây cà gai leo có Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa bao tiêu nên đầu ra luôn ổn định. Một ưu điểm nổi bật nữa là cây cà gai leo có thể tái sinh sau khi thu hoạch và duy trì gốc từ 2 đến 3 năm.

Anh Bùi Văn Hoàng (đứng phía trong bên tay trái) Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất chế biến Nông lâm sản Hợp Hòa hướng dẫn bà con chăm sóc cây cà gai leo.    

Gia đình bà Bùi Thị Hạnh, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa có gần 1 ha đất trước kia trồng ngô. Tuy nhiên, hiệu quả năng suất không cao. Sau 3 tháng chỉ cho thu hoạch được 2 triệu đồng/1 sào ngô. Nhận thấy mô hình trồng cây cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế, bà Hạnh đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Bà Hạnh cho biết, cây cà gai leo khá dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, phát triển quanh năm. Tham gia trồng cây cà gai leo, bà được hỗ trợ cây giống, HTX hướng dẫn tận tình kỹ thuật canh tác. Từ đầu năm đến nay, 0,5 ha cà gai leo của gia đình đã thu hoạch 2 vụ, đạt hơn 3 tấn nguyên liệu. Với giá bán 40.000 đồng/kg, gia đình thu lãi hơn 40 triệu đồng/vụ/năm.

Những ngày này, gia đình ông Bùi Văn Tường, thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng phấn khởi tiến hành thu lứa cà gai leo thứ 2. Việc sơ chế, phơi khô được tiến hành ngay tại điểm trồng nguyên liệu. Ông Tường hồ hởi cho biết, hồi đầu thực hiện có phần còn chưa dốc sức nhưng càng về sau, gia đình càng quan tâm chăm sóc, kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn. Trước đây, nếu trồng ngô, trừ hết chi phí sản xuất thì mỗi năm chỉ bỏ ra được 10 triệu đồng. Hiện tại, khi chuyển sang trồng cà gai leo, ông Tường có thu nhập trên 80 triệu đồng/6 sào/năm. Điều mà người dân yên tâm khi trồng cà gai leo là đầu ra đã có HTX lo, chu kỳ khai thác dài. Năm nay, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng hơn 1 ha giống cây này.

Với vai trò là đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa đã đồng hành với bà con nông dân huyện Sơn Dương trong suốt quá trình triển khai, thực hiện. Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc  HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019 gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo. Đến nay, HTX có 13 thành viên và hơn 40 hộ liên kết trồng cà gai leo. Với liên kết này, người dân bỏ đất, bỏ sức lao động và phân bón, HTX cấp giống, hướng dẫn sát sao kỹ thuật và cam kết tiêu thụ tại chỗ, ổn định, bền lâu. Hiện đơn vị thu mua cây cà gai leo cho bà con với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX đang sản xuất trà cà gai leo dạng túi lọc đóng hộp lớn, nhỏ với giá bán từ 40.000 - 70.000 đồng/hộp.

Sản phẩm Trà cà gai leo được giới thiệu tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI,
nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Hiện cây cà gai leo được trồng ở 5 xã Đông Thọ, Quyết Thắng, Sơn Nam, Hợp Hòa, Thiện Kế với hơn 15 ha, tăng hơn 5 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng chí Nguyễn Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiệu quả kinh tế của cây cà gai leo đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi thành công cơ cấu giống cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Không chỉ có Hợp tác xã, doanh nghiệp đồng hành với bà con mà Phòng nông nghiệp và địa phương cũng rất quan tâm, tạo điều kiện để cây cà gai leo phát triển. Năm 2018 và 2019,  Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật cho hơn 30 hộ tham gia trồng cây cà gai leo. Hiện, cùng với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, trong khâu tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để cây cà gai leo phát triển tốt, năng suất ổn định.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục