Sớm hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại

- Hơn 2 tháng xảy ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều hộ chăn nuôi đã gần như rơi vào cảnh kiệt quệ. Mong mỏi lớn nhất của họ lúc này là sớm nhận được tiền hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

Cán bộ UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) xác định trọng lượng, giám sát tiêu hủy lợn nhiễm bệnh
đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thực hiện hỗ trợ.

Tính đến thời điểm này, gia đình anh Nguyễn Đức Chinh, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) bị thiệt hại nặng nề nhất trong “cơn bão” DTLCP. Gia đình anh có 327 con lợn thịt bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy nên không chỉ vốn liếng đầu tư con giống mất hết mà anh còn gánh thêm 700 triệu đồng tiền cám nợ của công ty, không biết bao giờ mới trả nổi. Mong muốn lớn nhất của anh Chinh lúc này là huyện, tỉnh sớm hỗ trợ để gia đình anh trang trải một phần công nợ và tái đầu tư để cuộc sống đi vào ổn định. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, Vinh Quang (Chiêm Hóa) là hộ chăn nuôi lợn đầu tiên phát hiện ổ dịch cũng đang mong ngóng từng ngày nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để tái đàn cho kịp vào dịp cuối năm. Bà Thái cho biết, ngày 21-5 vừa qua, đàn lợn 166 con của gia đình bị nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy. Vốn không còn để tái đầu tư sản xuất, hệ thống chuồng trại cũng đành bỏ trống. 

Tính đến ngày 26-7, toàn tỉnh có 80 xã đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 5 xã đã qua 30 ngày lại tái dịch gồm: Thái Bình, Công Đa (Yên Sơn); Trung Yên, Hợp Thành (Sơn Dương); Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy gần 11 nghìn con (chiếm trên 2% tổng đàn), tương đương trên 583 tấn lợn hơi. Huyện Yên Sơn bị thiệt hại nặng nề nhất với trên 4.800 con lợn của 480 hộ gia đình; Sơn Dương với số lợn tiêu hủy trên 3.200 con của 226 hộ gia đình...

Để hỗ trợ người chăn nuôi, ngày 27-6, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống DTLCP. Trước đó, ngày 18-6 UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 623/QĐ-UBND về viêc phê duyệt mức hỗ trợ cho hộ sản xuất, người chăn nuôi có lợn mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy; hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh. Ngày 19-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí cho hộ sản xuất, người chăn nuôi có lợn mắc DTLCP phải tiêu hủy, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phòng chống DTLCP trên địa bàn. Theo đó, đối tượng hỗ trợ là hộ sản xuất, người chăn nuôi có lợn bị mắc DTLCP buộc phải tiêu hủy; tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp phòng chống dịch bệnh. Nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất, người chăn nuôi có lợn mắc dịch hoặc trong vùng có dịch buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố theo quy định của pháp luật.

Mức hỗ trợ và trình tự thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, gồm: Đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ 80% giá thị trường lợn hơi tại thời điểm tiêu hủy; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ đối với lợn thịt. Trình tự thủ tục, hồ sơ gồm: Hộ sản xuất người chăn nuôi có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy làm đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại (có mẫu) có xác nhận của trưởng thôn, khu dân cư gửi UBND cấp xã. Sau khi nhận được đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại của hộ sản xuất, người chăn nuôi, UBND cấp xã chỉ đạo hội đồng kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất, người chăn nuôi... Căn cứ biên bản kiểm tra xác minh, xác nhận tiêu hủy, UBND xã tổng hợp thiệt hại, báo cáo UBND cấp huyện để thẩm định, quyết định hỗ trợ theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn đã được triển khai, các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các hộ dân bị thiệt hại hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, kiểm tra, xác minh, xác nhận hồ sơ hỗ trợ theo đúng trình tự, thủ tục. Các phòng chức năng của các huyện, thành phố xác định số lượng lợn tiêu hủy, thẩm định kinh phí hỗ trợ để đề nghị UBND huyện, thành phố sớm quyết định hỗ trợ kinh phí cho các hộ bị thiệt hại giảm bớt khó khăn, tái đầu tư sản xuất.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục