Tái dịch tả lợn châu Phi, thêm khó khăn trong công tác phòng, chống

- Tính đến ngày 26-7, toàn tỉnh có 80 xã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), trong đó có 5 xã đã qua 30 ngày lại tái dịch gây rất nhiều khó khăn trong công tác ngăn chặn, phòng chống dịch.

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, 5 xã tái phát DTLCP sau 30 ngày gồm: Thái Bình, Công Đa (Yên Sơn); Trung Yên, Hợp Thành (Sơn Dương); Phúc Sơn (Chiêm Hóa). Số lợn phải tiêu hủy là 511 con.

Ngày 6-6, tại xã Thái Bình (Yên Sơn), đàn lợn 11 con của gia đình ông Nguyễn Minh Khu, thôn Chanh nhiễm DTLCP. Ngay khi phát hiện ổ dịch, xã đã báo cáo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra, xác minh, đồng thời thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định. Ngăn chặn dịch phát sinh lan rộng, xã đã lập các chốt kiểm soát nghiêm cấm việc vận chuyển lợn từ vùng dịch ra ngoài. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phun thuốc, rắc vôi khử trùng khu vực chăn nuôi, chôn lấp lợn bệnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại lại xảy ra vào ngày 9-7 khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở 4 hộ thuộc thôn 6 Vinh Quang. 

Tại xã Trung Yên (Sơn Dương) ổ DTLCP đầu tiên được phát hiện ngày 1-6. Đến ngày 17-7 vừa qua lại xuất hiện ổ dịch mới. Như vậy, sau 47 ngày dịch đã tái phát trở lại. Ông Bế Văn Tỉnh, cán bộ thú y xã cho biết, dịch tái phát, công tác phòng, chống dịch thêm rất nhiều khó khăn, bởi ngoài theo dõi ổ dịch cũ lại phải tập trung khống chế ổ dịch mới.


Xã Thiện Kế (Sơn Dương) vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch.

Theo cán bộ thú y các xã, nguyên nhân khiến DTLCP tái phát là do bà con không chú ý khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về việc phòng, chống dịch, tự ý tìm mua lợn giống về nuôi mà không qua kiểm dịch. Cụ thể, tại xã Trung Yên (Sơn Dương), gia đình ông Lý Văn Nghiệp, thôn Hoàng Lâu đã tự ý đặt mua lợn giống từ thương lái về để mở rộng quy mô đàn. Tuy nhiên, sau vài ngày, lợn con có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao. Lo ngại lây nhiễm ra đàn lợn thịt của gia đình, ông Nghiệp đã mang trả lợn cho thương lái. Tuy nhiên, không lâu sau cả đàn lợn của gia đình ông Nghiệp đang nuôi và đàn lợn giống của thương lái đều chung 1 dấu hiệu nhiễm bệnh dịch tả, buộc phải đưa đi tiêu hủy. Tại thôn 6 Vinh Quang, xã Thái Bình (Yên Sơn) nguyên nhân dịch bùng phát trở lại cũng do người dân mua lợn giống không được kiểm dịch về nuôi. 

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, ngoài nguyên nhân người dân tự ý mua lợn giống chưa được kiểm dịch về nuôi, tình trạng sử dụng thực phẩm thừa làm thức ăn cho lợn, vận chuyển lợn, thịt lợn ở vùng dịch ra ngoài vẫn xảy ra…Ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống DTLCP hạn chế đã gây rất nhiều khó khăn và tốn kém trong công tác khống chế, ngăn chặn dịch. Đến ngày 26-7, toàn tỉnh đã có 80 xã, ở 7/7 huyện, thành phố xuất hiện ổ dịch, số lợn phải tiêu hủy lên đến trên 11.300 con, tương đương với 603 tấn. Tỉnh cũng tốn rất nhiều kinh phí trong việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, hỗ trợ thuốc, vôi bột cho các địa phương khử trùng, chưa nói đến việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, do môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm, trong khi chưa có vắc xin phòng, chống nên không thể khẳng định DTLPC đã được kiểm soát. Hạn chế dịch lây lan và bùng phát trở lại, các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán lợn giống trên địa bàn; nghiêm cấm việc người dân tự ý mua, bán lợn giống chưa qua kiểm dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, thịt lợn từ vùng dịch ra ngoài. Người chăn nuôi không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn khi DTLCP chưa được khống chế; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm thừa để chăn nuôi lợn khi chưa xử lý nhiệt. Người dân ở vùng dịch nên đầu tư chăn nuôi gia súc, thủy cầm, trâu, bò, dê phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình, vùng miền, bảo đảm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục