Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

- Thời gian qua, Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện hiệu quả Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn. Qua đó đã phát huy hiệu quả của nguồn vốn, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang với tổng số vốn ODA triển khai trong giai đoạn 2019 - 2023 là hơn 426,3 tỷ đồng, trong đó vốn KOICA là 347,7 tỷ đồng; còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Dự án được thực hiện tại 25 xã, thị trấn thuộc 6 huyện của tỉnh Tuyên Quang, với các hợp phần: trao quyền cho phụ nữ, cải thiện hạ tầng nông thôn, cung cấp giáo dục chất lượng tốt, cải thiện dịch vụ y tế công cộng, nâng cao năng lực hành chính công, vận động, thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh...

Các em học sinh Tiểu học Dân tộc nội trú xã Yên Thuận (Hàm Yên) được sử dụng máy tính từ nguồn vốn ODA.

Sau 4 năm thực hiện, các hoạt động của Dự án được triển khai đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay đã có 159.573 người (38.193 hộ gia đình) tại 25 xã dự án, thị trấn và các xã lân cận hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Trong đó, nhóm đối tượng ưu tiên của Dự án là nhóm dân tộc thiểu số, nghèo, cận nghèo và hộ phụ nữ yếu thế. Dự án đã góp phần xây dựng 191 sản phẩm OCOP của tỉnh, duy trì, giữ vững chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 đạt 8,12%...

Hợp phần cải thiện hạ tầng nông thôn đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác 20 km đường liên xã của huyện Sơn Dương và 40 km đường liên thôn, đường ra khu sản xuất trên địa bàn các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình với số người hưởng lợi trực tiếp là 57.632 người; cải tạo, nâng cấp các cụm công trình thủy lợi hồ chứa, kênh mương, đập dâng trên địa bàn 3 xã của huyện Sơn Dương với số người hưởng lợi trực tiếp là 4.503 người. Sau khi đưa vào sử dụng, các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, góp phần tăng diện tích tưới lên 221 ha năm 2023, gấp 1,3 lần diện tích năm 2018.

Thông qua nguồn vốn Quỹ KOICA, thu nhập hàng năm từ các khoản vay đầu tư cho chăn nuôi đạt 70 - 100%; tỷ lệ tăng doanh thu của các hộ đạt 20 - 30%, góp phần trang trải hơn 20% chi phí sinh hoạt gia đình. Các hoạt động tập huấn, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc... trong phạm vi Dự án đã giúp các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã tăng thu nhập thêm 40%. Năng suất trung bình của các tổ hợp tác, hợp tác xã tăng từ 20 - 30%.

Tuyến đường được xây dựng từ nguồn vốn Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tại xã Sinh Long (Na Hang).

Các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã do Dự án thực hiện đã góp phần quan trọng tăng cường năng lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.

Hợp phần trao quyền cho phụ nữ đã giúp phụ nữ nông thôn thay đổi nhận thức về giá trị bản thân, hiểu rõ bình đẳng giới, biết cách quản lý chi tiêu tiết kiệm và nhận thức về nghĩa vụ và giá trị của lao động. Số giờ làm việc nhà của phụ nữ giảm từ 5,2 giờ xuống 4 giờ; tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động cộng đồng tăng lên 75,4% so với 45% trước khi thực hiện Dự án; quyền ra quyết định trong gia đình của người phụ nữ tăng từ 66% lên 68%; tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực giảm từ 52% xuống 24,6%.

Nói về hiệu quả của Dự án, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc Quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam khẳng định: Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang là dự án tiêu biểu nhất thuộc lĩnh vực phát triển nông thôn trong số các dự án do KOICA tài trợ tại Việt Nam từ trước đến nay.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục