Ổn định mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

- Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đã và đang phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng quy mô, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất cho vay từ các ngân hàng ở mức cao vẫn là mối lo của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hiện lãi suất huy động tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh có kỳ hạn 6 đến 11 tháng từ 5,4% đến 8,2 %/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 7,4% đến 9,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại không có nhiều thay đổi, nhất là lãi suất cho vay với các tổ chức sản xuất, kinh doanh thời gian vay ngắn hạn từ 9,5% đến 13,5%/năm; lãi suất vay trung, dài hạn từ 12% đến 15,5%/năm tùy từng gói vay, đối tượng vay.

Công ty TNHH Phú Bình Tuyên Quang, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) là đơn vị chuyên sản xuất bê tông, gạch lát nền, vận tải hàng hóa, gia công cơ khí, xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng... Đặc trưng của doanh nghiệp xây dựng, xây lắp nên giá trị hợp đồng lớn, thi công kéo dài nên quyết toán chậm, do vậy khi lãi suất ngân hàng cao thì mọi nguồn thu sau bán hàng đều phải dồn để trả lãi ngân hàng, ảnh hưởng đến sản xuất và chăm lo đời sống người lao động. Anh Đặng Duy Đức, Giám đốc Công ty cho biết, trước kia doanh nghiệp vay vốn có thể được đối ứng 30 - 70 với ngân hàng, nhưng bây giờ khoản đối ứng đã lên 50 - 50, thậm chí xuống 60 - 40. Lãi suất cao khiến khả năng sinh lời của doanh nghiệp giảm, do đó, đơn vị cũng chỉ dám vay những gói vay ngắn hạn tại ngân hàng để phục vụ nhu cầu xoay vòng vốn.

Khách hàng tìm hiểu gói vay vốn sản xuất tại Ngân hàng SHB Chi nhánh Tuyên Quang.

Tương tự, Hợp tác xã Chế biến, sản xuất thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương) cũng “đau đầu” với nhiều chi phí phát sinh khi lãi ngân hàng tăng. Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX cho biết, hiện giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 20%, các chi phí phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng tăng, trong khi giá lợn hơi giảm còn 42.000 đồng/kg. Thời điểm khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải tăng nguồn vốn từ vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, tuy nhiên, 4 tháng trở lại đây mức lãi suất tăng trên 11%/năm đã tạo áp lực lớn với đơn vị. Với mức lãi suất hiện tại, HTX phải trả 50 - 60 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng. Với các khoản chi phí và trả lãi ngân hàng, mỗi con lợn bán ra HTX lỗ khoảng 1 triệu đồng. Trước thực tế này, để giảm gánh nặng kinh tế, HTX chỉ duy trì số đàn lợn hiện có chứ không dám nhân đàn.

Việc lãi suất vay ngân hàng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xe ô tô trong tỉnh. 2 tháng đầu năm 2023, Đại lý Hyundai 3S Tuyên Quang, tổ 8, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) xuất bán 90 chiếc xe ô tô. Dòng xe bán ra chủ yếu ở phân khúc hạng A, B và SUV cỡ nhỏ (giá tầm trung) còn những dòng xe trên 1 tỷ đồng thì rất ít, sản lượng giảm 40 - 45% so với cùng kỳ.

Chị Trần Thị Quỳnh Anh, Giám đốc đại lý cho biết, tình hình thị trường ô tô khó khăn kéo dài từ quý IV-2022 đến nay. Một phần do lãi suất vay ngân hàng đang quá cao và thủ tục vay được siết chặt lại càng làm cho thị trường ô tô ế ẩm. Thực tế, trên 30% khách mua xe có nhu cầu vay ngân hàng, song mức lãi suất ngân hàng hiện nay đã tác động mạnh đến thị trường xe mặc dù nhu cầu tìm hiểu ô tô của người tiêu dùng vẫn cao.

Dù đại lý và hãng đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu như cắt lỗ, tăng khuyến mại, giảm giá xe, liên kết với 1 số ngân hàng như Vietinbank, BIDV, MB... giúp khách hàng thuận lợi trong quá trình mua xe; nhưng nhiều khách hàng sau khi xem xét thì gói tín dụng mua ô tô lãi suất từ 11% đến 15%/năm nên nếu họ vay khoảng 500 triệu đồng thì mỗi tháng khoản tiền lãi phải trả không hề nhỏ.

Theo các ngân hàng, việc tăng, giảm lãi suất cho vay còn tùy thuộc quản trị rủi ro, chi phí hoạt động của mỗi ngân hàng. Lãi suất cho vay gồm rất nhiều loại chi phí: Chi phí huy động vốn, thanh khoản, chi phí xác suất vỡ nợ... Hiện một số ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay cho một số đối tượng, doanh nghiệp như: Ngân hàng MB vừa qua đã công bố giảm lãi suất cho vay 1% cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng qua nền tảng Biz MBBank. Chị Nguyễn Thị Hà Trang, Giám đốc dịch vụ Ngân hàng MB cho biết, thay vì tăng lãi suất cho vay, đơn vị sẽ tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh tiền gửi không kỳ hạn, tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng. Điều này vẫn bảo đảm ngân hàng có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao.

Tại ngân hàng SHB Chi nhánh Tuyên Quang, từ đầu tháng 3-2023, đối với khách hàng vay sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm mức lãi suất từ 1 đến 1,5%/năm. Tại Vietinbank, lãi suất cho vay ưu đãi năm đầu tiên với khách hàng doanh nghiệp từ 8 - 11%/năm tùy từng hồ sơ, khoản vay. Hết thời gian ưu đãi lãi suất sẽ có sự thay đổi tùy thời điểm cụ thể, nếu khách hàng không phát sinh nợ xấu trước đó vẫn sẽ được hưởng gói vay ưu đãi tại thời điểm vay mới.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, từ đầu tháng 3-2023, nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh giảm mức lãi suất từ 0,3 - 1%/năm tùy từng gói vay, đối tượng vay. Việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với diễn biến thị trường. Vấn đề đặt ra là các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cần tính toán kỹ lưỡng, chủ động cân đối tài chính và có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục