Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP, thuộc Bộ GTVT) cho biết, cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm là dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án.
Theo đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc phạm vi tỉnh Khánh Hòa, có điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tổng chiều dài khoảng 50 km, được phân kỳ đầu tư với quy mô bốn làn xe (bề rộng nền đường 17 m) với vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, theo hình thức PPP, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Thời gian xây dựng tới năm 2023, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Theo ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, đây là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua và là dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức PPP và theo Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Khẳng định trách nhiệm nặng nề khi thực hiện dự án, ông Hải nhấn mạnh, nhà đầu tư ý thức được dự án sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và cam kết với Bộ GTVT và các ban ngành thực hiện dự án bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ nhanh nhất.
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc. Hiện nay, cả nước có 1.163 km đường cao tốc và đang triển khai thi công 786 km nối với cao tốc bắc - nam phía Đông, vẫn còn 838 km nữa mới thông được toàn tuyến cao tốc nối từ Lạng Sơn đến Cà Mau (tổng chiều dài 2.083 km) và gắn liền với các trục đường cao tốc giữa các địa phương để tạo động lực phát triển kinh tế vùng miền.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng tiết lộ, dự án này đã được giải phóng mặt bằng đạt 98%, những khó khăn vướng mắc nhất đã cơ bản được giải quyết để đẩy nhanh tiến độ và đưa vào khai thác, nâng hiệu quả vốn đầu tư. Yếu tố tiên quyết phải xử lý đầu tiên là giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành chính là cơ sở để nhà đầu tư chắc chắn sẽ thực hiện đạt tiến độ xây lắp trong hợp đồng.
Nhấn mạnh ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo Luật PPP, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng thừa nhận, dự án thành công hay không có sự hỗ trợ rất lớn của các ngân hàng. Dự án này mang tính khả thi khi lưu lượng xe đã được tính toán trong phương án tài chính.
“Khi triển khai PPP, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo với hệ thống ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại có gói tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư bởi lâu này dùng nguồn vốn vay ngắn hạn để cho vay. Nếu ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, dự án chắc chắn sẽ thành công”, ông Thọ nói.
Thứ trưởng Thọ cũng gợi ý các nhà đầu tư hay doanh nghiệp nên nghiên cứu phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư vào ngành giao thông.
Ông Lê Kim Thành đánh giá, dự án này triển khai đã khắc phục được các hạn chế, khiếm khuyết của các dự án BOT trước đây như bảo đảm sự lựa chọn cho người sử dụng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu, giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
“Việc tổ chức đàm phán, ký hợp đồng thành công dự án, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, còn mang ý nghĩa rất to lớn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua; là tín hiệu tích cực đối với môi trường đầu tư PPP trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay”, ông Lê Kim Thành nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết