Toàn cảnh phiên họp.
Dự họp có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại biểu ban Đảng Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; các đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn.
8h00: Căn cứ vào đề nghị của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, vấn đề cử tri quan tâm. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã xin ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định. Trên cơ sở đó đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã biểu quyết và lựa chọn nhóm vấn đề về: Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ bảy.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.
Đồng chí Phạm Quốc Chương – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo nội dung chất vấn: Trong những năm qua, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, đảm bảo nâng cao chất lượng, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư chỉnh trang, không gian đô thị được mở rộng, từng bước hình thành các khu đô thị mới, khu dân cư hiện đại. Nếp sống văn minh đô thị dần hình thành, trật tự đô thị được đảm bảo, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Quốc Chương báo cáo nội dung chất vấn.
Đến nay, qua một nửa nhiệm kỳ, công tác quy hoạch toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023; Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện: 6/6 quy hoạch vùng huyện, 7/7 quy hoạch chung đô thị (thành phố Tuyên Quang và 6 thị trấn); 10/10 quy hoạch phân khu (10/10 phường thuộc 1 Trích mục “Quan điểm” nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đầy nhanh tốc độ đô thị hóa…
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn dự kỳ họp.
Việc thực hiện các Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 14/3/2022; Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh đã bổ sung, bố trí vốn kịp thời cho công tác lập quy hoạch các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, hình thành khu dân cư, đô thị tại các khu vực có ý nghĩa quan trọng; cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị của tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng Kế hoạch đến năm 2025: Hình thành và đề xuất nâng loại (đô thị loại IV) đối với 02 đô thị (Thị trấn Sơn Dương, Chiêm Hóa); phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV đối với 2 đô thị (Thị trấn Na Hang, Tân Yên); nâng lên loại V đối với 6 đô thị mới (Sơn Nam, Hồng Lạc, Mỹ Bằng, Phù Lưu, Thái Sơn, Hòa Phú, Thượng Lâm, Đà Vị). Là tiền đề thu hút dân cư, người lao động, tăng tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh trong những năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn một số hạn chế. Trong thời gian tới, với nhận thức sâu sắc, rõ ràng về vai trò “đi trước, dẫn đường” của công tác quy hoạch, là “tiền đề vững chắc cho phát triển đô thị trong tương lai”, ngành xây dựng sẽ tập trung một số nội dung, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về sự cần thiết, ý nghĩa, nội dung giải pháp quy hoạch và phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, không gian, cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Đại biểu tham dự kỳ họp.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thực hiện các quy hoạch đô thị được duyệtập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị; trong đó bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, đúng quy định, trình tự các thủ tục về công tác quy hoạch, đặc biệt là khâu xin ý kiến của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch…
Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang: Công tác lập quy hoạch ở một số huyện, tp chậm. Từ năm 2020 đến nay công tác thanh tra về nội dung này không được triển khai vậy giải pháp để khắc phục như thế nào?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Hà Đình Khiêm, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Một số vi phạm trong công tác quy hoạch như vi phạm hành lang an toàn đường bộ, xây dựng trái phép… còn tồn tại, cho thấy sự buông lỏng quản lý của một số cấp ủy, chính quyền địa phương. Vậy giải pháp của ngành để khắc phục việc này trong thời gian tới?
Đại biểu Hà Đình Khiêm, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Đào Thị Mai, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Hành vi vi phạm quy hoạch ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn, sức khỏe của người dân… đồng chí cho biết giải pháp để khắc phục. Đồng thời nêu chủ trương của ngành trong việc xây dựng các khu ở chuyên biệt trên địa bàn tỉnh?
Đại biểu Đào Thị Mai, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương chất vấn tại hội trường.
Đồng chí Phạm Quốc Chương, Giám đốc Sở xây dựng: Phân tích, làm rõ chức năng của ngành trong việc thẩm định đối với các đồ án quy hoạch cấp tỉnh; còn lại các quy hoạch phân khu chi tiết các xã, thị trấn thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố. Vì vậy, thời gian qua Sở đã cố gắng đẩy nhanh, kịp thời công tác thẩm định các đồ án quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Bên cạnh đó, số đơn vị thực hiện lập quy hoạch còn ít, các bước lập quy hoạch nhiều nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ quy hoạch. Việc công khai, công bố quy hoạch chưa được UBND các huyện, thành phố quan tâm. Công tác thanh tra kiểm tra về công tác quy hoạch chưa được thường xuyên…
Đồng chí Phạm Quốc Chương, Giám đốc Sở xây dựng trả lời chất vấn tại hội trường.
Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong thời gian tới, đồng chí chỉ rõ một số giải pháp cần thực hiện: Các huyện, thành phố cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đỗi ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch; tăng cường phối hợp giữ các cấp, các ngành, địa phương để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc xảy ra.
Đồng thời, trong quá trình xin ý kiến người dân về công tác quy hoạch phải được thực hiện cụ thể, chu đáo, có tổng hợp, giải trình cụ thể. UBND huyện, thành phố cần bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch, để việc thực hiện bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng sẽ tích cực hướng dẫn các chủ đầu tư lập quy hoạch, từ đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh, để công tác quy hoạch bảo đảm thời gian kế hoạch đề ra…
Các đại biểu HĐND tại phiên họp.
8h55: Nhóm câu hỏi đối với UBND thành phố
Đại biểu Lý Ngọc Thanh, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang: Công tác quy hoạch phân khu ở một số địa bàn còn chậm, xin đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Đại biểu Lý Đỗ Thành Quang, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang: Qua khảo sát, một số khu dân cư trên địa bàn thành phố sau khi hình thành khả năng lấp đầy còn thấp, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Đại biểu Lý Đỗ Thành Quang, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Vũ Thanh Tùng, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn: Một số dự án ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện còn chậm, đồng chí hãy cho biết nguyên nhân chủ yếu và giải pháp để khắc phục dứt điểm.
Đại biểu Vũ Thanh Tùng, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn chất vấn tại hội trường.
Đồng chí Trần Viết Cương, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang: Hiện nay, TP Tuyên Quang đã thưc hiện được 7/10 đồ án quy hoạch phân khu, còn 3 quy hoạch đồ án phường Mỹ Lâm, Ỷ La, An Tường chưa thực hiện. Khó khăn do quy hoạch phân khu cần phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung; cán bộ làm công tác quy hoạch còn ít; đơn vị tư vấn công tác quy hoạch năng lực còn hạn chế, chưa thực hiện đảm bảo thời gian đã ký với chủ đầu tư.
Đồng chí Trần Viết Cương, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang trả lời chất vấn tại hội trường.
Trong thời gian tới, TP Tuyên Quang sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành lập đồ án quy hoạch chung thành phố, làm cơ sở để thúc đẩy tiến hành quy hoạch các phân khu. Trong tháng 12, thành phố sẽ điều chỉnh phê duyệt phân khu Ỷ La, An Tường; đối với quy hoạch phường Mỹ Lâm, hoàn thành trong quý I năm 2024…
Đại biểu nghe trả lời chất vấn.
Tỷ lệ lấp đầy các khu đô thị chưa đảm bảo do TP thực hiện bố trí một số khu tái định cư cho các công trình, nhưng người dân chưa về xây dựng, vì các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ở nơi ở cũ. Một số khu dân cư đưa ra đấu giá nhưng cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành nên hộ dân cũng chưa thực hiện xây dựng được. Vì vậy, thành phố sẽ tập trung các giải pháp lấp đầy các khu dân cư như: Bố trí nguồn lực hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện cho các hộ dân tái định cư xây dựng ở nơi ở mới...
Đại biểu HĐND cũng đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND thành phố về bất cập của các dự án đầu tư mới không phù hợp với quy hoạch; khó khăn trong quy hoạch phân khu; việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện có bảo đảm...
Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Trần Viết Cương, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố đã xin ý kiến UBND tỉnh để điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu cho phù hợp với quy hoạch chung. Việc bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các khu dân cư, thành phố đã được phê duyệt nguồn lực xây dựng Đô thị loại 1 vào năm 2030. Đồng thời, huy động nguồn lực của thành phố để hoàn thành theo kế hoạch...
Thường trực HĐND tỉnh định hướng vấn đề chất vấn.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Một số dự án ngoài ngân sách nhà nước chậm. Qua kiểm tra, do vướng mắc về vấn đề pháp lý, việc thu hồi đất gặp khó khăn… Về giải pháp: Đối với các dự án từ năm 2020 đến nay phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt; lựa chọn các nhà đầu tư, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo việc làm cho người lao động. Những dự án chậm sẽ tiến hành thu hồi. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn lực để thực hiện công tác quy hoạch…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo trả lời chất vấn tại hội trường.
9h42: Chất vấn đối với lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực quy hoạch
Đại biểu Nguyễn Văn Lợi, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn: Tiến độ quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh còn chậm, đồng chí cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Đại biểu Trần Thị Hà, Tổ đại biểu huyện Sơn Dương: Lập quy hoạch 6 xã trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành. Sở Xây dựng đã lập quy hoạch xong xã Sơn Nam, Hồng Lạc (Sơn Dương), vì sao UBND tỉnh chưa phê duyệt; quy hoạch các xã còn lại bao giờ hoàn thành?
Đại biểu Trần Thị Hà, Tổ địa biểu huyện Sơn Dương chất vấn tại hội trường.
Đại biểu Ngụy Thu Thủy, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang: Tốc độ quy hoạch của thành phố Tuyên Quang còn chậm. Một số khu dân cư người dân đã trả tiền và ngân sách nhưng chưa thể xây dựng do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đồng chí cho biết nguyên nhân, giải pháp?
Đại biểu Ngụy Thu Thủy, Tổ đại biểu TP Tuyên Quang chất vấn tại hội trường.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trả lời: Quy hoạch 2 xã Sơn Nam, Hồng Lạc, Sở Xây dựng đã trình, UBND tỉnh đã tiến hành thẩm định bảo đảm đúng quy trình và sẽ phê duyệt. Còn lại quy hoạch của 4 xã trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn trả lời chất vấn tại hội trường.
Đồng chí cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh: Quy hoạch chưa đồng bộ; công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế... Giải pháp trong thời gian tới: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về công tác quy hoạch; thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp về công tác quy hoạch; thiết lập các công cụ quản lý; ưu tiên nguồn lực cho phát triển đô thị; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, thanh tra, định kỳ có sơ kết tổng kết. Đồng thời thực hiện tập huấn đối với cán bộ làm công tác quy hoạch quản lý đô thị; tăng cường công tác giám sát của HĐND tỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch...
Đồng chí cũng cho biết, hiện nay, các khu dân cư trên địa bàn thành phố đã tiến hành thu hồi đất, xây dựng 20 khu dân cư; đã tiến hành đấu giá đất tại 20 khu dân cư. Tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy mới đạt gần 30%. Do việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện; do người dân mua đất chủ yếu để đầu cơ, tích trữ chứ ít có nhu cầu làm nhà ở; một số hộ khó khăn về kinh tế chưa có điều kiện xây dựng... Giải pháp: UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các khu dân cư; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng để việc xây dựng được thuận lợi...
Các đại biểu HĐND tại phiên họp.
Kết luận phiên chất vấn: Chủ tọa kỳ họp ghi nhận trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh trong đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đánh giá, Thường trực HĐND tỉnh nhận định, công tác quy hoạch của tỉnh trong những năm qua đã được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quy hoạch vẫn còn những hạn chế.
Thường trực HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh một số giải pháp trong thời gian tới: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố có kế hoạch và giải pháp thực hiện tốt công tác quy hoạch; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác quy hoạch. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; huy động các nguồn lực để hoàn thành các đô thị đã được quy hoạch, bảo đảm thời gian, tiến độ đề ra.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, công khai quy hoạch để nhân dân được biết, có ý kiến... Trong quá trình thực hiện, cần lựa chọn đơn vị có năng lực, để công tác quy hoạch đáp ứng yêu cầu...
10h40: Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tiếp thu tại kỳ họp
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Đồng chí đánh giá cao các ý kiến thảo luận, chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp. UBND tỉnh trân trọng tiếp thu, lắng nghe các ý kiến và làm rõ thêm một số nội dung và nhấn mạnh: Việc thúc đẩy liên kết vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bám sát các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để tạo động lực phát triển.
Tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thành các kế hoạch, đề án, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Ngay sau khi kỳ họp kết thúc, căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu tới các huyện, thành phố, các ngành. Cùng với đó, đôn đốc thực hiện, tăng tốc ngay từ đầu năm để bảo đảm hoàn thành kế hoạch, mục tiêu trong năm 2024.
Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm, đầu tư lĩnh vực du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đại biểu tham dự kỳ họp.
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội: Quan tâm chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương; bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp các ngành, các địa phương trong thực thi công vụ...
Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng công tác quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phòng chống cháy nổ...
Lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế sau giám sát của HĐND tỉnh để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao... góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.
11h35: Bế mạc kỳ họp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã dân chủ thảo luận, biểu quyết với tỷ lệ tán thành rất cao thông qua 40 nghị quyết, trong đó 02 Nghị quyết về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền; 04 nghị quyết liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân; 34 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, tài chính, giáo dục và đào tạo, nội vụ, chính sách... là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc.
Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị, sau khi các nghị quyết của Hội đồng nhân dân ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết bảo đảm hiệu quả.
Trong năm 2023, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021-2026 được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy, nâng cao vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, thể hiện rõ nét là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Với 05 kỳ họp (02 kỳ họp thường lệ, 03 kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân tỉnh đã quyết nghị, ban hành 73 nghị quyết (bao gồm cả nghị quyết kỳ họp thứ bảy) góp phần quan trọng việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tại kỳ họp.
Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh được tăng cường theo hướng toàn diện, sâu sát, quyết liệt và hiệu quả. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp theo quy định trong đó có 01 kỳ tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ bảy về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, kịp thời phản ánh, nắm bắt kiến nghị cử tri, đề xuất giải pháp cụ thể, một số kiến nghị cụ thể đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu, chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng các kỳ họp; chú trọng hoạt động giám sát; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết