Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các Đại sứ, đại diện UNESCO tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành phố có Di sản thế giới trong cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định: Sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, Vịnh Hạ Long giờ đã có một diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy; bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị Vịnh Hạ Long một cách toàn diện, bền vững.
Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế và vinh dự được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2, Di tích quốc gia đặc biệt, Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Di sản địa chất quốc tế Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, khu du lịch hàng đầu Việt Nam, một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Có thể khẳng định, trong suốt 3 thập kỷ qua, Vịnh Hạ Long đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, góp phần quan trọng đưa du lịch Quảng Ninh trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nâng cao đời sống nhân dân, là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với đông đảo bạn bè, các đối tác, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ năm 1996 đến nay đã có hơn 57 triệu lượt khách tham quan Vịnh, thu phí tham quan đạt hơn 8.600 tỷ đồng. Vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới; là niềm tự hào của Việt Nam và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.
Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị riêng có của Di sản Vịnh Hạ Long, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đánh giá cao những thành tích trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy di sản mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 30 năm qua; đặc biệt đánh giá cao UNESCO và các tổ chức quốc tế có liên quan đã luôn đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh thành khác trong khu vực và cả nước việc công nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới.
Tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá, thể hiện sự quyết tâm ưu tiên quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững khu di sản Vịnh Hạ Long. Những thành tựu vượt trội đó cũng là minh chứng thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, áp lực từ phát triển kinh tế, đặc biệt áp lực từ sự gia tăng du lịch, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đoàn kết.
Phát biểu tại buổi lễ, ngài Vishal V. Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới kỳ họp lần thứ 46 đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp và các tổ chức quốc tế đã bảo đảm rằng công tác bảo tồn Di sản luôn là trọng tâm trong các chiến lược phát triển.
Câu chuyện thành công này là hình mẫu cho các Di sản thế giới khác đang đối mặt với những thách thức tương tự. Ngài Vishal V. Sharma cũng mong rằng Vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau và giữ mãi vẻ đẹp trường tồn như một biểu tượng minh chứng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
30 năm qua, sự góp mặt của Vịnh Hạ Long trong danh sách các di sản thế giới của UNESCO đã khẳng định vẻ đẹp thiên nhiên, sự giàu có về cảnh quan, văn hóa và sinh thái của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của đất nước nói chung, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho Quảng Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của tỉnh.
Doanh thu từ du lịch đã đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác, đồng thời tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết