Các VĐV trên đường chạy 110 m vượt rào nam tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP
Ngọn lửa Olympic đã tắt trên đài lửa sân vận động quốc gia Tokyo, khép lại 16 ngày thi đấu của 11.058 vận động viên (VĐV) của 205 quốc gia, vùng lãnh thổ và đoàn thể thao người tị nạn. Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, Olympic Tokyo 2020 đã thành công rực rỡ, là kỳ Thế vận hội có nhiều môn và nhiều nội dung thi đấu nhất trong lịch sử: 33 môn thi đấu để tranh 339 bộ huy chương, trong đó có bốn môn lần đầu được đưa vào thi đấu là trượt ván (skateboarding), lướt sóng (surfing), leo núi thể thao (sport climbing) và karatedo.
Dù phải trải qua thời gian dài gần hai năm giãn cách, ảnh hưởng rất nhiều đến sự chuẩn bị của VĐV nhưng với tinh thần Olympic Tokyo 2020 “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn - Cùng nhau”, Thế vận hội lần này đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn thể hiện ở những thành tích nổi trội. Đã có 20 kỷ lục thế giới, 89 kỷ lục Olympic được công nhận (chỉ tính một kỷ lục cao nhất ở mỗi nội dung thi đấu, không tính nhiều lần phá kỷ lục ở một nội dung). Trong đó, các VĐV cử tạ lập bảy kỷ lục thế giới, 20 kỷ lục Olympic; VĐV bơi lập sáu kỷ lục thế giới cùng 21 kỷ lục Olympic, nổi bật ở nội dung 100 m bơi ngửa nữ có năm lần phá kỷ lục Olympic; các VĐV xe đạp phá ba kỷ lục thế giới, bảy kỷ lục Olympic. Riêng nội dung đua xe đạp nước rút đồng đội nam có tới bảy lần phá kỷ lục Olympic. Các VĐV điền kinh cũng phá ba kỷ lục thế giới, 10 kỷ lục Olympic…
Thế vận hội Tokyo ghi nhận sự xuất sắc của VĐV bơi Caeleb Dressel (Mỹ) với năm HCV, trong đó có hai kỷ lục thế giới ở nội dung 100 m bướm và 4 x 100 m tiếp sức hỗn hợp và hai kỷ lục Olympic. VĐV này còn được ghi nhận về sự hào sảng khi tặng riêng HCV của mình cho đồng đội, người đã thay vị trí của anh ở vòng loại bơi tiếp sức. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của đoàn Australia có công đầu của nữ tuyển thủ bơi Emma McKeon khi cô giành bốn HCV, ba HCĐ và trở thành người giành nhiều huy chương nhất Olympic Tokyo 2020.
Thế vận hội Tokyo còn ghi nhận ba VĐV giành ba HCV là: Elaine Thompson (Jamaica) ở môn điền kinh, Lisa Carrington (New Zealand) ở môn đua thuyền, An San (Hàn Quốc) ở môn bắn cung. Đô cử khỏe nhất thế giới Lasha Talakhadze (Georgia) tuy chỉ giành một HCV cử tạ hạng hơn 109 kg, nhưng đã thiết lập ba kỷ lục thế giới và cũng là ba kỷ lục Olympic ở các nội dung: Cử giật 223 kg, cử đẩy 265 kg và tổng cử 488 kg. Từng bị cấm thi đấu do doping trước đó, nhưng kể từ khi quay trở lại vào năm 2015 đến nay, Talakhadze liên tiếp thiết lập những kỷ lục thế giới mới với những thành tích xuất sắc.
Đoàn Mỹ tham dự Olympic với lực lượng đông nhất với 630 VĐV, song đến ngày thi đấu cuối cùng họ mới giành được vị trí vô địch toàn đoàn. Nguyên nhân chính là sự sa sút của đội tuyển điền kinh, bơi và thể dục dụng cụ. Riêng điền kinh, cách đây 5 năm, Mỹ giành 13 HCV tại Olympic Rio 2016, nhưng ở Nhật Bản họ chỉ giành được bảy HCV, bị 22 đoàn khác “chia sẻ” huy chương ở nhiều nội dung. Dù vậy, Mỹ vẫn chứng tỏ sự vượt trội ở các môn thể thao hiện đại như bơi với 11 HCV, điền kinh với bảy HCV, giành cả hai HCV ở môn bóng rổ được xem là chỉ kém hấp dẫn so với bóng đá và hai HCV môn golf… Tuy nhiên, Mỹ đã không thành công ở môn bóng đá nữ khi các nhà vô địch thế giới chỉ giành HCĐ Thế vận hội.
VĐV bơi lội người Australia Emma McKeon giành bảy huy chương ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh GETTY
Đoàn Trung Quốc với 414 VĐV đã dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương liên tục từ những ngày đầu cho đến ngày áp chót và đứng sau Mỹ do kém vỏn vẹn một HCV. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, đoàn Trung Quốc cũng chỉ có hai ngày thi đấu không thể giành HCV. Khác với Mỹ, thể thao Trung Quốc tập trung thâu tóm huy chương ở một số nội dung thế mạnh như 7/8 HCV nhảy cầu, 7/14 HCV cử tạ, 4/5 HCV bóng bàn, 4/15 HCV bắn súng và thể hiện sức mạnh ở môn thể dục dụng cụ với ba HCV, tiếp tục dẫn đầu ở môn cầu lông với hai HCV. Như vậy, ngoại trừ việc dẫn đầu ở kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 trên sân nhà, Trung Quốc chưa thể hoàn thành mục tiêu dẫn đầu Olympic khi phải thi đấu trên sân khách.
Đoàn Nhật Bản với lợi thế sân nhà đã đạt thành công lớn nhất trong lịch sử, họ giành 27 HCV trong tổng số 58 huy chương có được. Đáng tiếc lớn nhất của các VĐV Nhật Bản là không thể hiện được sự vượt trội ở môn karatedo trong lần đầu tiên được đưa vào thi đấu. Tuy vẫn dẫn đầu ở môn này, nhưng họ cũng chỉ giành được một HCV ở môn thể thao mà họ sáng lập. Nhật Bản cũng không thành công ở môn bóng đá, nhất là môn bóng đá nam dù đã vào đến bán kết, song lại thất bại trong trận tranh HCĐ.
Thể thao Đông Nam Á có một kỳ Olympic không thành công do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Thái Lan, Indonesia vẫn giữ được phong độ, Philipines đột biến vươn lên dẫn đầu, còn Singapore và Việt Nam không thể giành huy chương. Việc đoàn thể thao Việt Nam thi đấu chưa thành công trên đấu trường đỉnh cao thế giới đã được cảnh báo từ sau Olympic Rio 2016 do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế về kinh phí đầu tư và tác động tiêu cực của đại dịch.
Việc tổ chức thành công sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh cho thấy nỗ lực tuyệt vời và sự đầu tư lớn của nước chủ nhà, đồng thời là kinh nghiệm quý cho các nước khi tổ chức những đại hội thể thao thời gian tới nếu đại dịch còn tiếp diễn. Sau thành công của Olympic Tokyo, Nhật Bản đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội thể thao người khuyết tật 2020 (Paralympic 2020) từ ngày 24/8 đến ngày 5/9 và chắc chắn đó cũng sẽ là một ngày hội sôi động để một lần nữa khát vọng chinh phục sẽ nối tiếp với những đỉnh cao mới.
Gửi phản hồi
In bài viết