Cơm dừa
Cơm dừa được nấu từ loại gạo dẻo, thơm đặc biệt. Sau khi chọn một quả dừa xiêm ngon, người ta dùng dao sắc khoét một vòng tròn bên trên để lấy nước dừa và giữ lại nắp đậy giống như cái thố. Sau khi cho một lượng gạo và nước dừa vừa đủ, người ta đem hấp khoảng một giờ. Khi cơm chín, hạt gạo nở ra vừa đầy tới miệng quả dừa. Khi thưởng thức với tôm đất rang, cá kho tộ..., du khách cảm nhận trọn vẹn vị ngọt, bùi, béo ngậy của cơm dừa.
Bánh tráng dừa
Bánh tráng dừa Bến Tre gắn liền với tên tuổi Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm). Được làm từ bột gạo và nước cốt dừa, bánh tráng dừa Bến Tre tựa bánh đa ngoài Bắc. Bột gạo được xay nhuyễn. Sau khi đổ lớp bột lên khuôn, mặt bánh se lại thì đặt bánh lên những phên đan bằng lá dừa rồi phơi nắng. Trong quá trình phơi phải quan sát thường xuyên bởi nắng quá thì bánh sẽ giòn, dễ vỡ. Nếu không đủ nắng, bánh sẽ bị nổi các lỗ khí. Bánh tráng dừa có nhiều hương vị khác nhau. Vị dừa gồm bột gạo pha với nước cốt dừa. Bánh tráng mè có thêm đường, mè. Bánh tráng sữa có sữa, lòng đỏ trứng gà. Bánh tráng mặn gồm lạp xưởng, tôm khô; bánh tráng gừng có thêm nước cốt gừng.
Đuông dừa
Đuông dừa là ấu trùng của loài bọ cánh dương sống trên cây dừa, có màu trắng, béo múp và giàu dinh dưỡng. Do chỉ sống trên cây nên đuông dừa khá sạch. Vì thế, chỉ cần làm sạch sơ rồi cho con đuông dừa vào bát nước mắm ớt. Sau khi “ngấm”, người ta cắn bỏ đầu và thưởng thức ngay để cảm nhận trọn vẹn dòng sữa béo ngậy trong thân đuông dừa. Ngoài ăn sống, có thể chế biến đuông dừa thành nhiều món khác như nướng, chiên bơ, hấp xôi... khá lạ miệng.
Ốc hấp nước dừa
Ốc gạo được bắt từ cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) nổi tiếng thơm ngon với vỏ xanh, ruột trắng, thịt dày, béo và ngọt, lại không nhớt. Ốc gạo được chế biến thành nhiều món như xào dừa, xào sả ớt, nấu lẩu mắm hay đổ bánh xèo, trộn gỏi...
Gửi phản hồi
In bài viết