Theo đó, buổi tọa đàm diễn ra giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài nước đang tham gia Tuần du lịch-văn hóa Lai Châu năm 2022 tại thành phố Lai Châu.
Cụ thể trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, Lai Châu mong nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành về thực trạng cũng như những giải pháp để du lịch Lai Châu phát triển; tiến tới đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch địa phương kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng tại khu vực và cả nước; tạo sức hấp dẫn để các công ty lữ hành có thể xây dựng tour du lịch, giới thiệu quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế; để trong tương lai không xa, du lịch Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Lai Châu được các đơn vị lữ hành đánh giá là địa phương có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và còn nguyên sơ chưa bị thương mại hóa được du khách ưa chuộng.
Với mong muốn đó, Lai Châu cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch, tổ chức cá nhân khi triển khai đầu tư, xây dựng các khu, điểm du lịch; các chương trình, tour, tuyến và các hoạt động du lịch khác tại địa phương. Lai Châu sẽ luôn dành những tình cảm thân thiện, chào đón nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành, các đoàn Famtrip… đến khảo sát, đầu tư, khám phá, giới thiệu và quảng bá Lai Châu đến với khách du lịch…
Về phía Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành, sau khi đi khảo sát thực tế tại một số địa phương của Lai Châu đều khẳng định: Lai Châu có nhiều tiềm năng, thế mạnh, có dãy Hoàng Liên Sơn với đèo Ô Quý Hồ đứng đầu trong “tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam, Quần thể hang động Pusamcap, Cao nguyên Sìn Hồ, thác Tác Tình; đặc biệt, Lai Châu còn là nơi sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử… không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lai Châu còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách.
Lai Châu là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; hiện nay, Lai Châu đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 1 cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn…
Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao thuộc top 10 Việt Nam, là nơi lý tưởng cho du khách chinh phục, khám phá, trải nghiệm. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu)
Với những thế mạnh như trên, các đại biểu cho rằng, Lai Châu cần nỗ lực và quan tâm hơn nữa vào việc đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nhóm nhỏ nhằm thu hút khách du lịch; Cần giữ gìn và khai thác tiềm năng du lịch truyền thống vốn có kết hợp với xu hướng hiện đại. Tỉnh cũng cần tập trung khai thác các sản phẩm du lịch thuộc nhóm 3 sao; ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đầu tư phát triển du lịch….
Đối với các địa điểm, các cơ sở du lịch của tỉnh hiện nay, cần có sự chỉnh chu hơn trong việc bày trí các chi tiết, hạng mục; quan tâm đầu tư sâu khai thác bản sắc và truyền thống của các địa phương, dân tộc; quan trọng hơn nữa là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về du lịch…
Gửi phản hồi
In bài viết