Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng SeABank.
Nhận định mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2023 của hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức cao ít nhất là đến giữa năm. Trong bối cảnh cạnh tranh huy động, VCBS cho rằng nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và vừa sẽ không điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn chính. Dự báo, lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong sáu tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5 điểm phần trăm.
Nhiều ngân hàng hạ lãi suất
Khảo sát trên thị trường, từ giữa tháng 1/2023, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tại Techcombank, mức lãi suất cao nhất thuộc về kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng điều chỉnh giảm từ 9,5%/năm (thời điểm trước Tết Nguyên đán) xuống còn 9,2%/năm. Các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cùng có mức giảm 0,5% và được niêm yết mức 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng đều niêm yết lãi suất huy động là 8,7%/năm, giảm 0,3% so đầu tháng 1/2023. Tại Sacombank, trước Tết Nguyên đán, mức lãi suất huy động cao nhất là 9,8%/năm, đến nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng. Một số ngân hàng khác như VPBank lại có động thái điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiền gửi; theo đó, ngân hàng này đã tăng thêm 0,1% ở các kỳ hạn 6, 9, 12, 24 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng đều niêm yết ở mức 8,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 9,2%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 9,3%/năm. KienLongBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,7%, cụ thể, các kỳ hạn 6, 9, 12 tháng đều tăng thêm 0,7%, lần lượt lên mức 9,3%, 9,4% và 9,5%/năm; riêng kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,1%, lãi suất niêm yết là 8,5%/năm. Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ổn định so với tháng trước đó. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy của các ngân hàng này vẫn ghi nhận ở mức 7,4%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hạ nhiệt một phần vì nhu cầu vốn để cho vay đầu năm của các ngân hàng ít hơn. Do đó, các ngân hàng sẽ không cần huy động nhiều như giai đoạn cuối năm trước. Mặt khác, tình hình thanh khoản của ngân hàng những ngày đầu năm cũng đã bớt căng thẳng hơn so giai đoạn cuối năm. Các ngân hàng vì thế cũng không còn quá nhiều động lực để huy động với lãi suất cao, do đó đã hạ lãi suất đầu vào để có dư địa giảm lãi suất đầu ra.
Giảm lãi vay còn nhiều thách thức
Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Chí Quang nhận định, năm 2023, kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái, đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất và dự kiến duy trì chính sách lãi cao đến cuối năm 2024. Những yếu tố này khiến áp lực mặt bằng lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao. Trong bối cảnh đó, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung, vì vậy cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Tiến sĩ Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá, năm 2023, trong bối cảnh FED còn tiếp tục nâng lãi suất thì lãi suất huy động trong nước sẽ chịu nhiều áp lực để duy trì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức thực dương.
Thực tế, ngay trong ngày đầu của tháng 2, FED đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Ðây là lần tăng thứ 8 và là đợt tăng lãi suất ít nhất của FED kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cũng cho rằng tại Việt Nam, việc giảm lãi suất cho vay đồng loạt trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng chỉ có thể diễn ra trong sáu tháng cuối năm 2023.
Nhìn nhận thách thức về điều hành lãi suất trong năm 2023, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú chia sẻ, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất; lạm phát trong nước và nước ngoài có xu hướng gia tăng; tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn. Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục tăng giá cũng là yếu tố quan trọng gây áp lực lên lãi suất VND. Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy, một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2023 mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng đến là tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, phù hợp diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; chính sách tỷ giá, lãi suất tiếp tục các giải pháp để tạo sự ổn định và từng bước giảm thấp khi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế cho phép.
Cũng theo các chuyên gia của VCBS, mặt bằng lãi suất vẫn còn dư địa tăng trong nửa đầu năm 2023, trước khi đi ngang hoặc hạ nhiệt. Với lãi suất huy động, VCBS dự báo đạt đỉnh trong sáu tháng đầu năm với mức tăng 100-150 điểm cơ bản (1-1,5%). Trong khi đó, dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành. Phân tích từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn còn có kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là FED. Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm 2022 đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng bị áp lực thu hút tiền gửi nhằm bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2023 khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý IV/2022 và vẫn đang còn rất lớn. Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong nửa đầu năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết