Hỗ trợ thoát nghèo
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lâm Bình đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo. Hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đưa ra những giải pháp và chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đó huyện tăng cường tuyên truyền và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.
Chị Ma Thị Vận, thôn Noong Phường, xã Minh Quang chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Năm 2020 chị Ma Thị Vận, thôn Noong Phường, xã Minh Quang đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng thông qua Hội Phụ nữ xã để đầu tư mô hình phát triển kinh tế. Vừa làm vừa đầu tư, đến nay chị có mô hình kinh tế gồm 500 con gà thương phẩm mỗi lứa, 40 con lợn; trồng hơn 100 gốc thanh long, cây ăn quả và chăn nuôi cá, hàng năm đem lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng cho gia đình. Từ hộ cận nghèo đến nay gia đình chị được công nhận thoát nghèo.
Hay như gia đình chị Chúc Thị Nải, dân tộc Dao ở tổ dân phố Đon Bả thị trấn Lăng Can là hộ tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Năm 2021, thông qua tổ tiết kiệm vay vốn ủy thác từ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn, gia đình chị được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để mua 02 con trâu cái về nuôi sinh sản. Có vốn, gia đình chị đã đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi trâu sinh sản và kết hợp trồng cây ăn quả. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, 2 con trâu phát triển béo tốt, đã sinh nghé. Đồng thời, do biết tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho cây, nên vườn cây ăn quả của gia đình cũng xanh tươi, phát triển tốt. Đây là tài sản, là tiền đề để gia đình chị có cuộc sống khấm khá hơn, thu nhập trung bình đạt 52 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình cho biết, hiện toàn huyện có 7.963 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Số dư nợ tín dụng chính sách bình quân mỗi địa bàn xã, thị trấn trên 45 tỷ đồng. Đến nay, phòng giao dịch đang triển khai 20 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 445 tỷ đồng. Trong đó, phổ biến nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và vay vốn sản xuất kinh doanh.
Chăm lo cho người nghèo
Với mục tiêu trong năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 42%. Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Lâm Bình đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Các tổ chức đoàn thể nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện công tác giảm nghèo.
Người dân trên địa bàn xã Bình An được hỗ trợ làm nhà mới theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo.
Năm 2023, huyện mở được 14 lớp đào tạo nghề, với 451 học viên; cùng với đó hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho 4.099 lao động, trong đó có 69 người xuất khẩu lao động và 1.271 người đi làm việc tại công ty ngoài tỉnh. Cùng với đó huyện thực hiện tốt việc vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo thông qua những phần quà đột xuất, các dịp lễ, Tết; xây dựng nhà tình thương, nhà nhân ái… Trong năm 2023 đã triển khai xây dựng 669 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo có nguồn vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, huyện Lâm Bình cũng đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đều phát huy tính chủ động trong lao động, chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình cho biết, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động và các giải pháp thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Lâm Bình cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo. Nhiều hộ nghèo đã có sự thay đổi và chuyển biến về nhận thức đối với công tác giảm nghèo. Phấn đấu đến hết năm 2023 giảm 6,8%, kéo tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 42%.
Tin tưởng rằng với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo của huyện sẽ đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết