Đến xã Thượng Lâm, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông liên thôn rộng rãi, như bừng thêm sức sống của vùng quê nông thôn mới (NTM). Để có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng thì nhiều hộ dân đã hiến “tấc vàng” vì cộng đồng. Từ năm 2021 đến nay, xã Thượng Lâm có 70 gia đình hiến trên 4.500m2 đất và trên 200 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã với chiều dài trên 5km.
Lãnh đạo xã Bình An (Lâm Bình) thăm mô hình nuôi cá của người dân thôn Phiêng Luông.
Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết: Khi triển khai làm đường giao thông theo Chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sức dân làm đường. Đồng thời, nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên và các tổ chức đoàn thể trong đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường để nhân dân học tập, làm theo, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp.
Tại xã Bình An, những năm qua quy chế dân chủ đã được cấp ủy, chính quyền xã triển khai nghiêm túc. Xã tuyên truyền kịp thời kế hoạch thực hiện, thời gian thi công, chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình trên loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở xã và thông qua các cuộc họp để người dân biết, bàn và kiểm tra. Bà Ma Thị Thái, thôn Phiêng Luông, xã Bình An nói: Những năm qua, phong trào làm đường bê tông và kênh mương nội đồng của thôn Phiêng Luông được triển khai mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của các hộ dân trong thôn. Trước khi làm đường, người dân được thảo luận, thống nhất mức đóng góp tiền, vật liệu và ngày công tham gia xây dựng công trình. Các gia đình còn được phân công thực hiện nhiệm vụ theo từng thời gian, công khai số chi, có sổ sách ghi chép đầy đủ từng nội dung công việc nên người dân rất dễ nắm bắt, kiểm tra khi cần. Trong 3 năm qua, gia đình bà đã hiến gần 200 m2 đất ruộng và tham gia đóng góp tiền, ngày công để kiên cố hóa giao thông nông thôn.
Những tuyến đường trên địa bàn xã Minh Quang (Lâm Bình) được người dân đồng thuận hiến đất, tiền của xây dựng.
Từ làm tốt công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, công khai các dự án, minh bạch trong thu chi các khoản đóng góp của người dân, vậy nên Lâm Bình đã hạn chế tối đa đơn thư khiếu kiện, gây mất đoàn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện Lâm Bình còn thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư. Năm 2023, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tiếp khoảng 66 lượt công dân; tiếp nhận 103 đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân. Nhờ giải quyết tốt các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân nên trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Mặt khác, với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các cấp chính quyền trong huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp với nhân dân được thực hiện đảm bảo quy định. Trong năm 2023, huyện Lâm Bình và các xã, thị trấn đã tổ chức 23 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, qua đó, giải quyết được từ 70 đến 80% vụ việc từ cơ sở, tạo môi trường dân chủ, cởi mở và củng cố niềm tin trong nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở thông qua nhiều hình thức đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, phản biện các chủ trương, chính sách tại địa phương.
Việc triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ, huyện Lâm Bình đã tạo môi trường lành mạnh, an toàn, trở thành nơi đáng sống, thu hút du lịch nâng cao đời sống nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết