Niềm vui của anh Giàng Seo Sỳ (áo đen), thôn Khuổi Củng khi sắp có ngôi nhà trình tường mới, phục vụ phát triển du lịch Homestay.
Ở huyện Lâm Bình 3 xã có đông người Mông sinh sống nhất là Xuân Lập, Bình An, Hồng Quang. Nhưng tập trung đông nhất ở thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng, xã Xuân Lập. Đa phần người Mông ở đây có quê gốc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, nơi phần lớn nhà ở của họ là trình tường. Khi về quê mới, do vật liệu gỗ sẵn có, người Mông cũng làm nhà gỗ theo người bản địa, thi thoảng mới có cái bếp trình tường. Mới đây huyện Lâm Bình có chủ trương quy hoạch thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng trở thành làng Homestay mang bản sắc dân tộc Mông. Theo đánh giá của đoàn khảo sát du lịch, nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng có phong cảnh đẹp, nhiều ngọn núi cao, quanh năm mây phủ. Hệ thống ruộng bậc thang đẹp, văn hóa người Mông đặc sắc, ẩm thực ngon. Tuy nhiên chỉ có điều, các ngôi nhà gỗ chưa toát hết được bản sắc người Mông, đây là trăn trở lớn nhất của huyện.
Kỹ thuật giã, nện đất quyết định sự chắc chắn của ngôi nhà.
Đồng chí Triệu Văn Liều, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Củng sau khi đi họp trên xã về đã truyền đạt đến toàn thôn, nhân dân trong thôn ai cũng nhất trí cần khôi phục lại bản sắc nhà trình tường. Năm 2020, ông Sùng Mí Chính, người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở Khuổi Củng xung phong làm chiếc nhà trình tường đầu tiên. Ngày đẹp trời cả thôn đến hộ đặt khuôn, nện đất rộn rã. Những mảng tường nối với nhau dày cứ thế mà cao dần. Thấy nhà ông Chính làm xong đẹp quá, năm 2021, hộ ông Sùng Seo Páo, Lý Tòn Pin, Giàng Seo Sỳ, Ma Seo Sếnh tiếp tục đăng ký làm nhà trình tường. Bí thư Chi bộ thôn Triệu Văn Liều khẳng định, còn rất nhiều hộ đăng ký khôi phục lại bản sắc nhà trình tường. Bởi du lịch cộng đồng cần cảnh quan, sự đồng lòng chung của toàn thôn. Thôn tin tưởng đây là chủ trương đúng của huyện, xã.
Người Mông thôn Khuổi Củng khôi phục lại ngôi nhà trình tường truyền thống của cha ông.
Không chỉ có ở thôn Khuổi Củng, ở thôn Khuổi Trang cũng có 4 gia đình khôi phục nhà trình tường. Chị Vàng Thị Tình, thôn Khuổi Trang đang thêu trang phục bên ô cửa sổ nhà trình tường mới làm cười nói “Cha ông chúng tôi bao đời nay ở nhà trình tường rồi. Giờ khôi phục được ngôi nhà trình tường của mình, tôi ưng cái bụng lắm. Thấy truyền thống văn hóa của dân tộc mình, được khách du lịch quan tâm ai cũng phấn khởi”. Cách nhà chị Tình không xa, nhà anh Giàng Seo Làng đang nhờ anh em họ hàng đến trình tường. Anh bảo kỹ thuật trình tường thì hầu như người Mông cao tuổi nào cũng biết. Đầu tiên phải chọn loại đất có độ kết dính cao, đất nhiều sét chẳng hạn, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay mà không dùng bất cứ máy móc nào. Bà con làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài khoảng 1,5m, rộng 0,5m. Khi trình tường, người thợ đổ đất khô, không được trộn nước, đầy khuôn gỗ, dùng những chiếc chày và vồ được làm bằng gỗ nện chặt đất. Với sự khéo léo, điêu luyện của đôi tay, những bức tường dần hiện lên một cách chắc chắn.
Nhiều du khách đã đến Khuổi Trang, Khuổi Củng cho rằng, quyết định khôi phục nhà trình tường của huyện sẽ mở ra tương lai du lịch bền vững cho vùng đất này. Khi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy thì chắc chắn du lịch cộng đồng sẽ phát triển. Điều cần quan tâm là một quy hoạch tổng thể, sắp xếp dân cư, hạn chế những ngôi nhà trình tường lợp mái tôn hay prô xi măng để thay bằng mái lá, vừa mát, vật liệu địa phương dễ kiếm, rẻ tiền. Nếu làm được như vậy du lịch bản Mông sẽ hấp dẫn du khách gần xa.
Gửi phản hồi
In bài viết