Đồng chí Trần Phi Pha, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Thời gian qua, huyện đã tiến hành quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch. Ngoài việc hỗ trợ nhân dân về cách làm du lịch, huyện còn trực tiếp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về du lịch cộng đồng. Ngành Văn hóa cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Mới đây, tại huyện Lâm Bình có hai điểm du lịch Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can và Homestay Nà Muông, xã Khuôn Hà được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao; Tổ hợp tác Homestay 99 ngọn núi tại xã Thượng Lâm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là một lợi thế với các hộ gia đình làm Homestay, bởi sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sẽ được huyện ưu tiên lựa chọn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá tới du khách ở nhiều nơi.
Sản phẩm OCOP của huyện Lâm Bình được bày bán tại Hội chợ Thương mại - Du lịch
tỉnh Tuyên Quang năm 2020. Ảnh: Cảnh Trực
Là người đi đầu trong làm dịch vụ du lịch cộng đồng, gia đình ông Chẩu Minh Vỹ, Homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can mới đây vinh dự được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ông phấn khởi cho biết, để du khách có được sự trải nghiệm với nhiều điều hấp dẫn, ông đã bỏ công sưu tầm, phục dựng lại những vật dụng, dụng cụ lao động truyền thống của dân tộc Tày trước đây đã bị mai một. Xung quanh nhà, ông đào ao thả cá, tạo cảnh quan thiên nhiên, đồ dùng trong nhà đều được ông tuyển chọn kỹ lưỡng, vệ sinh sạch sẽ. Du khách đến đây ngoài việc được thư giãn cũng là dịp được trải nghiệm, biết thêm về phong tục tập quán đồng bào nơi miền sơn cước.
Anh Chẩu Văn Tụy, chủ Homestay Mai Tụy, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà bày tỏ: Ban đầu, bản thân anh và nhiều hộ dân trong thôn cũng chưa hiểu hết về Chương trình OCOP nhưng được đơn vị chuyên môn phổ biến, hướng dẫn chi tiết, bà con đã hiểu mình cần phải làm gì để du lịch cộng đồng sớm trở thành sản phẩm OCOP. Từ những việc làm cụ thể như: Xây dựng quy định về việc tiếp đón du khách sao cho thật văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ hay việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, khai thác gỗ trái phép làm nhà... được phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, homestay dần chuẩn hóa, hoàn thiện về quy chế, quy định với du khách và cộng đồng trong quá trình làm du lịch.
Tiết mục văn nghệ phục vụ khách du lịch tại homestay A Phủ. Ảnh: Tôn Tấn
Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, tại Lâm Bình đều đón trên 100.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Cũng nhờ du lịch mà hiện nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, nơi đây cũng là điểm đến của các nhà đầu tư. Anh Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty du lịch Five Star Travel (Hà Nội) cho biết: Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, để du lịch nông nghiệp phát triển thì không nhất thiết phát triển rộng, ồ ạt mà cần tạo ra các tua có điểm nhấn. Do đó, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch đã từng bước tạo được sự chuyên nghiệp hóa, đặc trưng riêng. Bản thân anh cũng đang tạo các điểm nhấn cho khu du lịch Nặm Đíp của mình bằng các sản vật của địa phương, phục dựng các điệu hát cổ, xây dựng các đội văn nghệ trẻ, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm. Mong rằng trong năm mới, ngành du lịch Lâm Bình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, để xứng đáng với tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Gửi phản hồi
In bài viết