Thành phố Đà Lạt nhìn từ trên cao.
Nơi thiên nhiên và di sản hòa quyện
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng điều kiện thiên nhiên lý tưởng, Lâm Đồng là nơi hội tụ nhiều thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất cả nước, đồng thời là vùng đất của những hồ, thác gắn với những huyền thoại lý giải sự ra đời của vùng đất này. Đó là hồ Xuân Hương - trái tim của Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, hồ Đa Nhim gắn với truyền thuyết về tình yêu của đôi trai gái người K’Ho, hồ Đạ Tẻh kể câu chuyện về nàng Ka Yêng giúp bản làng của người Mạ chiến thắng thần Chà; là Thung lũng Tình yêu thơ mộng nơi các cặp đôi yêu nhau hẹn hò...
Lâm Đồng còn sở hữu nhiều dòng thác hùng vĩ, nên thơ, là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm như thác Damb’ri, Pongour, Jráiblian (thác Bảo Đại), Prenn, Cam Ly, Datanla... Không những thế, Lâm Đồng còn sở hữu những vườn quốc gia nổi tiếng với hệ sinh thái phong phú, đa dạng như Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, một trong 5 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam... Điều đó cho thấy vùng đất này thực sự là điểm đến lý tưởng để du khách hòa mình vào thiên nhiên.
Thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây không chỉ là một “thành phố hoa” mà còn là một đô thị di sản, nơi bảo tồn nhiều công trình kiến trúc gắn liền với những biến động lịch sử của đất nước. Đến bất cứ đâu ở Đà Lạt, du khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp các di sản kiến trúc, từ trường học, nhà ga, xí nghiệp đến các cơ quan công sở. Đà Lạt được biết đến là nơi tập trung các dinh thự có giá trị lớn về kiến trúc, lịch sử như Dinh I - dinh thự của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Dinh II - dinh thự mùa hè của viên Toàn quyền Đông Dương Decoux, Dinh III là biệt điện của vua Bảo Đại; hay các công trình dành cho các hoàng hậu, phu nhân như dinh Nguyễn Hữu Hào - nơi ở của Nam Phương Hoàng hậu, Biệt điện Trần Lệ Xuân nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Bộ Nội Vụ), nơi lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới...
Tại Đà Lạt hiện còn nhiều công trình mang dấu ấn phong cách kiến trúc Đông Dương đậm nét như Ga hỏa xa Đà Lạt, Trường Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà)... Những công trình này đã tồn tại hơn 1 thế kỷ, nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, tạo nên sự khác biệt và sức hút kỳ lạ cho Đà Lạt, khiến người ta muốn quay lại nhiều lần.
Du lịch “xanh” là tiêu chí cốt lõi
Nhờ sở hữu điều kiện tự nhiên, khí hậu lý tưởng nên Lâm Đồng có nhiều điều kiện để phát triển mạnh loại hình du lịch canh nông, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm... với nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút khách. Gần 20 năm qua, Lâm Đồng đã xây dựng thành công thương hiệu Festival Hoa Đà Lạt - hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của các loài hoa và nghề trồng hoa, đẩy mạnh phát triển thương hiệu rau - hoa Đà Lạt, đồng thời khẳng định vị thế là địa phương có diện tích và số lượng nhà vườn, trung tâm trồng hoa công nghệ cao nhiều nhất cả nước. Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm một lần còn là dịp quảng bá hình ảnh con người, thành phố Đà Lạt và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trung bình mỗi kỳ lễ hội thu hút từ 300 - 400 nghìn lượt khách du lịch. Đặc biệt, tháng 2-2024, nhờ Festival Hoa Đà Lạt, Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế - khu vực châu Á (IFEA ASIA) đã công nhận Đà Lạt là “Thành phố lễ hội của châu Á”.
Một trong những tiêu chí cốt lõi mà tỉnh Lâm Đồng hướng tới là phát triển du lịch “xanh”, không chỉ hướng đến công tác bảo vệ môi trường, phát huy giá trị của hệ sinh thái mà còn ở mục tiêu tăng trưởng bền vững thông qua những chiến lược phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu điểm, sản phẩm du lịch chất lượng cao, an toàn, đa dạng. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế động lực, vì vậy đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường quảng bá xúc tiến thu hút khách du lịch...
Năm 2023, các đường bay quốc tế được khôi phục và duy trì, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; qua đó góp phần phục hồi và tăng trở lại thị trường khách quốc tế đến Lâm Đồng sau đại dịch Covid-19. Nhiều khu, điểm du lịch mới được hoàn thành và đưa vào hoạt động, phục vụ khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh như Suối khoáng nóng Daana, Khu nghỉ dưỡng Tea Resort Prenn... Đặc biệt, năm 2023, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm là địa điểm đầu tiên của Việt Nam và là đại diện duy nhất của châu Á được UNESCO vinh danh Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương, qua đó khẳng định thương hiệu của du lịch Lâm Đồng trên bản đồ du lịch khu vực.
Để tiếp tục tạo thế mạnh khác biệt cho ngành du lịch của tỉnh, theo ông Nguyễn Trung Kiên, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống, mang tính đặc thù, năm 2024, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, có khả năng cạnh tranh cao như du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe...; đồng thời mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng từ các nước ASEAN, Đông Á, Bắc Á cùng khách nội địa nhằm bảo đảm mục tiêu đón 9,7 triệu lượt khách so với 8,6 triệu lượt năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết