Nhiều nơi chưa triển khai và đạt thấp
Năm 2022, toàn tỉnh có kế hoạch bê tông hóa 227 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 126 km đường thôn và 101 km đường nội đồng. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, tính đến ngày 8-7, toàn tỉnh đã hoàn thành thi công 89,91 km, trong đó huyện Yên Sơn là 33,26 km, huyện Hàm Yên là 20,69 km, huyện Chiêm Hóa là 19,87 km, huyện Sơn Dương là 16,09 km, huyện Na Hang và huyện Lâm Bình vẫn chưa có tuyến đường nào hoàn thành thi công.
Huyện Chiêm Hóa có kế hoạch bê tông hóa 32 km đường giao thông nông thôn trong năm nay. Đến ngày 8-7, toàn huyện mới hoàn thành thi công được 19,87 km. Trong đó, có nhiều xã chưa triển khai hoàn thành được tuyến đường nào là Xuân Quang, Linh Phú, Tri Phú, Tân An. Bên cạnh đó, một số xã cũng đạt thấp so với kế hoạch được giao.
Một tuyến đường thôn Bó Héo, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) được bê tông hóa và đưa vào sử dụng đầu năm nay.
Xã Phú Bình (Chiêm Hóa) có kế hoạch bê tông hóa gần 3 km đường giao thông nông thôn và nội đồng. Tuy nhiên đến nay, xã mới hoàn thành được 450 mét ở 3 thôn, có 5 thôn chưa triển khai làm đường. Đồng chí Hà Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Bình cho biết, ở một số thôn, cán bộ thôn và nhân dân vẫn còn tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, nhất là những thôn có khối lượng không nhiều nên vẫn còn đủng đỉnh vì cho rằng thi công chỉ mất 2 đến 3 ngày là xong. Hơn nữa, sau khi được cấp trên phân bổ chỉ tiêu, nhân dân lại bước vào thu hoạch vụ chiêm và triển khai làm vụ mùa. Cùng với đó là thời tiết mưa nắng bất thường nên ở các thôn chưa triển khai được đúng kế hoạch. UBND xã cũng đã họp, làm rõ trách nhiệm, phân công rõ ngày nhận xi măng để kiên quyết đôn đốc các thôn chưa triển khai cần làm ngay và hoàn thành trong tháng 8.
Xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) có kế hoạch bê tông hóa hơn 600 mét đường giao thông nông thôn và nội đồng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Theo đồng chí Phùng Tuấn Cửu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang, nguyên nhân chưa triển khai được là do từ đầu năm đến nay, nhân dân tập trung lao động sản xuất, mưa lũ xảy ra trên địa bàn xã cũng ảnh hưởng và gây khó khăn cho việc khai thác cát sỏi để triển khai thi công.
Huyện Sơn Dương có kế hoạch bê tông hóa 51 km đường giao thông nông thôn, tuy nhiên đến nay mới triển khai được 16,09 km. Có 8 xã chưa hoàn thành được tuyến đường nào và nhiều xã còn đạt thấp so với kế hoạch được giao.
Xã Phúc Ứng (Sơn Dương) có kế hoạch bê tông hóa trên 5,4 km đường giao thông nông thôn và nội đồng nhưng đến nay mới hoàn thành được trên 1,9 km, đạt trên 35% kế hoạch. Toàn xã mới có 6 thôn triển khai làm đường, 6 thôn còn lại vẫn đang vận động nhân dân và làm công tác giải phóng mặt bằng. Đồng chí Vũ Văn Quyền, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Đồng Luộc, xã Phúc Ứng cho biết, năm 2022, thôn có kế hoạch bê tông hóa 400 mét đường giao thông nội đồng. Hiện nay, thôn vẫn chưa huy động nhân dân đóng góp nên chưa triển khai được. Anh Quyền cho biết, những tháng đầu năm, nhân dân bận rộn với công việc đồng áng và thời tiết có mưa nhiều nên chưa triển khai được. Anh Quyền tin tưởng, đến hết tháng 10-2022, thôn sẽ hoàn thành kế hoạch được giao.
Chủ động ở tất cả các khâu
Bên cạnh những xã đạt thấp hoặc chưa hoàn thành được tuyến đường nào thì có không ít xã đã về đích từ rất sớm. Điều đó cho thấy, ở nơi ấy, cấp ủy, chính quyền đã có giải pháp quyết liệt, chủ động triển khai từ rất sớm để loại bỏ những trở ngại, khó khăn từ khách quan mang lại như thời tiết, kế hoạch sản xuất của nhân dân…
Đưa chúng tôi đi tham quan trên những đoạn đường bê tông vừa mới hoàn thành trước tháng 6 năm nay của xã, đồng chí Trần Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) cho biết, xã đã hoàn thành bê tông hóa trên 2,5 km đường giao thông nông thôn và nội đồng, về đích trước kế hoạch cả nửa năm. Trước khi có quyết định giao chỉ tiêu từ trên huyện, xã đã thông báo rộng rãi chủ trương làm đường trong nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động, tạo sự đồng thuận. Ngay sau khi được giao chỉ tiêu kế hoạch, UBND xã chỉ đạo các thôn tổ chức họp thôn, bàn kế hoạch và cách làm, thống nhất phải làm trước khi thu hoạch vụ chiêm, tranh thủ, tận dụng tất cả những ngày thời tiết khô ráo để triển khai. Vật liệu như cát, sỏi, các thôn lấy ý kiến và thống nhất với nhân dân là mua từ các đơn vị cung ứng, nhân dân đóng góp tiền mua vật liệu và thuê máy móc để làm. Cách làm này được nhân dân đồng thuận rất cao. Đảng ủy, UBND và các tổ chức đoàn thể quyết liệt triển khai sớm nên bà con cũng hào hứng, chứ không chờ đợi đến dịp cuối năm mới “tăng tốc”.
Ngay từ đầu năm nay, thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đã hoàn thành 600 mét đường bê tông nông thôn.
Cũng về đích sớm như xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa), xã Lương Thiện (Sơn Dương) là xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng đã hoàn thành 100% kế hoạch bê tông hóa đường giao thông nông thôn từ rất sớm. Đồng chí Lưu Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Lương Thiện cho biết, trong tháng 4 - 2022, xã đã hoàn thành 1,1 km đường giao thông nội đồng. Cũng với cách làm là chủ động triển khai kế hoạch từ sớm, các thôn của xã Lương Thiện đã thành lập các tổ, nhóm hộ gia đình đứng lên làm đường. UBND xã hướng dẫn cách làm và đôn đốc triển khai. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt, xã chỉ đạo các thôn hướng dẫn họp thôn, thảo luận và bàn bạc cách làm trong dân, chọn ngày triển khai và tổ chức cho nhân dân ký cam kết triển khai đúng kế hoạch trong ngày đã đăng ký. Do đó, nhân dân đều đồng tình triển khai làm sớm, trước khi thu hoạch vụ chiêm. Cũng theo Chủ tịch Lương, công tác làm đường giao thông nông thôn cần phải chủ động ở tất các khâu, càng hoàn thành sớm càng tốt, bởi nếu để những tháng cuối năm mới triển khai nếu gặp thời tiết không thuận lợi thì sẽ rất khó để hoàn thành.
Ở hai huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình do địa hình đồi núi nên gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển, tập kết vật liệu cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đến nay, tại các xã của hai huyện đang chuẩn bị nhận cung ứng xi măng để triển khai thi công. Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Na Hang cho biết, trong 6 tháng đầu năm, huyện gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu cung ứng xi măng do giá cả tăng và phải mất thời gian điều chỉnh lại dự toán kinh phí. Đến nay, huyện đã lựa chọn được nhà thầu cung ứng xi măng và đang chuẩn bị cung ứng về cho các xã.
Đồng chí Ma Đức Kính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Dương cho biết, đối với những xã có khối lượng thi công nhiều, phòng đã xuống xã trực tiếp làm việc, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, đối với những xã đạt thấp so với kế hoạch và chưa có tuyến đường nào hoàn thành, phòng sẽ trực tiếp xuống làm rõ nguyên nhân và khó khăn để cùng tháo gỡ.
Từ thực tế trên cho thấy, ở nhiều nơi còn tâm lý, từ nay đến cuối năm vẫn còn khá nhiều thời gian, trong khi làm đường chỉ mất vài ngày. Bởi vậy, cán bộ, công chức xã vẫn chưa thực sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc nên người dân vẫn còn khá đủng đỉnh trong việc triển khai làm đường.
Mục đích của việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn là để phục vụ và chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân. Đường càng làm sớm thì nhân dân càng được hưởng lợi sớm. Tâm lý “đằng nào rồi cũng hoàn thành kế hoạch” hay “nước đến chân mới nhảy” cần được thay đổi từ chính đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Có như vậy, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn mới được triển khai sớm và chủ động hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết