Ông Sơn bị thương trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1995 sau hơn 12 năm phục vụ trong quân ngũ ông phục viên trở về địa phương. Khi ấy hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gia đình ông ở trong túp lều, vợ làm công nhân chè, ông đi làm thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhận thấy đồng đất quê hương còn bỏ hoang nhiều, vợ chồng ông khai phá, tích cóp tiền mua thêm của bà con, nhận khoán đất lâm trường để phát triển nghề chè. Phát triển mô hình chè, vợ chồng ông luôn quan tâm đến yếu tố kỹ thuật, chăm sóc theo đúng quy trình để chè đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài trồng chè, vợ chồng ông Sơn chăn nuôi thêm lợn, gà đẻ, nuôi cá... để tăng thu nhập. Có những lúc dịch bệnh ập đến khiến chăn nuôi gặp khó khăn, ông Sơn không nản chí chuyển hướng sang kinh doanh vận tải, lái xe thuê rồi tự mua xe tải chạy thuê cho bà con trong vùng có nhu cầu.
Đến nay, gia đình ông Sơn đang canh tác hơn 1,3 ha chè, 4,7 ha mía đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ chịu khó làm ăn, gia đình ông đã xây được nhà khang trang, lo cho các con học hành đầy đủ, gia đình ông trở thành hộ đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Đồng chí Đinh Thúy Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thượng cho biết, ông Đỗ Ngọc Sơn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương để mọi người học hỏi. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho từ 5 đến 10 lao động tại địa phương. Những lao động có hoàn cảnh khó khăn, ông ấy thường xuyên giúp đỡ, không ngần ngại chia sẻ bí quyết làm giàu.
Với tinh thần của người lính, thương binh Đỗ Ngọc Sơn đã khẳng định không có khó khăn nào là không thể vượt qua nếu biết cố gắng, nỗ lực vươn lên. Trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ mới đây, ông Sơn vinh dự là thương binh tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ông phấn khởi nói, đây là động lực rất lớn để bản thân ông và gia đình tiếp tục vươn lên, góp phần làm giàu cho quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết