Chị Nông Thị Nông.
Chị kể, ngày xưa gia đình thuộc diện hộ nghèo, kinh tế trông chờ vào mấy sào ruộng năm được, năm mất, đất đai thì nhiều nhưng không biết trồng trọt, chăn nuôi. Đầu năm 2015, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Tương tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang. Có vốn, chị đầu tư cải tạo diện tích đất đồi gần 1ha, trồng và chăm sóc trên 200 gốc cam sành.
Năm 2017, chị Nông mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, đầu tư nuôi 600 con gà thương phẩm. Khác với các hộ nuôi lấy trứng chị nuôi theo lứa, khoảng 6, 7 tháng sẽ bán hàng loạt và nuôi lại sau 2 tuần vệ sinh toàn bộ chuồng trại để tránh bệnh tật. Nhờ cách làm sáng tạo, đến năm 2018, chị đã trả toàn bộ số nợ ngân hàng, kinh tế từng bước đi lên, mỗi năm chị xuất bán gần 3 tấn gà thịt, thu về khoảng 200 triệu. Vườn cam cũng ngày một sai quả, chị phấn khởi bảo, năm 2022 chị thu 15 tấn quả, được hơn 150 triệu đồng, ngoài ra còn có chanh tứ thì... Trung bình mỗi năm trừ chi phí, mô hình kinh tế của gia đình chị Nông mang lại nguồn thu khoảng 200 triệu đồng.
Chị tâm sự, làm mô hình kinh tế như gia đình thì sẽ chậm nhưng chắc chắn ít khi gặp rủi ro nếu như nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây và con. Mô hình phù hợp với người dân có ít vốn, gà là lấy ngắn và cây ăn quả là nuôi dài, biết kết hợp sẽ từng bước ổn định được kinh tế và có lãi ổn định theo năm chăm sóc.
Đồng chí Ma Thị Khuya, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Tương cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Nông Thị Nông còn là hội viên phụ nữ tích cực, người truyền lửa cho nhân dân thôn Nà Làng từng bước vượt ra khỏi sự tự ti, dám nghĩ để làm kinh tế. Hiện nay, chị Nông cũng giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn, từ đó nhiều hội viên đã vươn lên ổn định cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết