Mua sắm tiêu dùng tại một cửa hàng tiện dụng.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022. Theo đó, lạm phát trở thành vấn đề đáng lưu tâm của bức tranh kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm khi giá nhiều hàng hóa tăng cao, nhất là giá xăng dầu.
Tác động từ giá xăng dầu, lương thực
Vụ trưởng Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng cục Thống kê) Đỗ Thị Bích Ngọc nhận định, lạm phát hai tháng đầu năm 2022 được kiểm soát ở mức phù hợp. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so tháng trước; tăng 1,42% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so tháng 12/2021. Bình quân hai tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân làm tăng chỉ số CPI trong tháng 2. Tuy nhiên, công tác điều hành giá những tháng tiếp theo cần theo dõi sát diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới và trong nước; có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng, dầu trong nước và hạn chế mức tăng giá. Đồng thời có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 2/2022 so với tháng trước. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Điểm sáng của bức tranh kinh tế là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 tiếp tục tăng 8,5% so cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% với động lực dẫn dắt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng, đặc biệt là dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc khi nhu cầu du lịch của khách nội địa tăng cao trong dịp Tết Nhâm Dần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 3,1% so cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng và doanh thu du lịch lữ hành đều tăng ở mức hai con số. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2022 tăng mạnh 49,6% so tháng trước và tăng 169,6% so cùng kỳ do tiếp tục thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục lại một số đường bay quốc tế.
Ước tính tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay đạt 42,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 46,2% so cùng kỳ. Trong đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 102,5%. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam và mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất
Những hạn chế về tình hình kinh tế-xã hội được Tổng cục Thống kê chỉ rõ là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón và nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt giá xăng, giá dầu liên tục tăng đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm nhập siêu, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng giảm hoặc tăng thấp…
Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội nhằm đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong các tháng tiếp theo, Tổng cục Thống kê kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp; phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới; nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của các Hiệp định tự do thương mại (FTA) để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA. Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm.
Mặt khác, cần hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Sớm triển khai lộ trình mở cửa trở lại hoạt động du lịch, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất, nhất quán với hoạt động giao thông vận tải trong mọi loại hình và an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc. Có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Gửi phản hồi
In bài viết