Làm rõ thông tin sạt lở kè tại địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình

- Ngày 23-5-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 517/QĐ – UBND phê duyệt dự án Kè chống sạt lở bờ suối bảo vệ đất sản xuất xã Phúc Sơn (Lâm Bình), giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư, với mục tiêu sẽ xử lý khẩn cấp sạt lở bờ suối bảo đảm an toàn công trình gần suối và bảo vệ 120 ha đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên gần đây do ảnh hưởng của mưa lũ, bờ kè bị sạt lở tại một số điểm nhỏ tại thôn Bản Chỏn và thôn Nà Pết. Hiện có dư luận thông tin sai lệch vấn đề, gây hoang mang trong các tầng lớp nhân dân.


 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tuyên Quang, toàn bộ hệ thống kè tại thôn Bản Chỏn đã thi công xếp rọ đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đáp ứng mục tiêu chống xói, bảo vệ diện tích sản xuất của Nhân dân thuộc thôn Bản Chỏn và thôn Nà Pết. Tuy nhiên, qua kiểm tra một số vị trí rọ bị xô lệch, bề mặt rọ chưa phẳng chưa đảm bảo mỹ quan, một số vị trí xếp đá chưa chặt khít, còn lỗ hổng nhỏ và phình, nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện đào xúc đất để đắp phần mang kè và san gạt hoàn trả mặt bằng đã làm rơi vãi cuội sỏi lẫn trên mặt lớp rọ đỉnh; có vị trí máy xúc di chuyển qua đỉnh kè làm xô lệch, phình rọ nhưng chủ yếu vẫn là về mặt thẩm mỹ công trình, còn chất lượng hiện vẫn đảm bảo.

Điểm sạt lở tại thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn (Lâm Bình).

Bà Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho biết, tại địa phương chưa từng ghi nhận ý kiến nào của người dân thắc mắc hay phản ánh về chất lượng công trình và các thông tin gần đây lan truyền trên mạng xã hội là chưa hoàn toàn đúng với thực tế. Ngay sau khi kiểm tra, Sở Nông nghiệp và PTNT  đã chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc thực hiện xếp lại các vị trí rọ bị xô lệch, khắc phục các rọ bị hở rộng, phình chưa đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, thời gian yêu cầu khắc phục hoàn thành trước ngày 20 - 5.

Còn đoạn kè suối tại thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn (Lâm Bình), có nhiều thông tin lan truyền có nhiều đoạn đã bị cuốn trôi hoàn toàn có chiều dài vài chục mét, nhiều đoạn hư hỏng đổ sập xuống lòng suối, bên cạnh đó có đoạn lồng kè sắt không bị đổ sập nhưng đá bên trong đã bị cuốn đi. Theo đồng chí Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân gây sạt lở, hư hỏng được xác định do kè chống sạt lở bờ suối bảo vệ đất sản xuất xã Phúc Sơn thuộc loại công trình kết cấu mềm không phải loại kết cấu cứng, chịu lực như kè bê tông, kè đá xây.

 Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT có mặt kịp thời kiểm tra thiệt hại bờ kè do mưa lũ gây ra.

Các công trình trên đảm bảo an toàn khi mực nước lũ trong lòng suối thấp hơn đỉnh kè, tuy nhiên, do cơn bão số 3 đã gây ra lũ lớn, nước suối dâng cao vượt đỉnh kè khoảng 1m (vượt khả năng chống chịu của công trình) làm sạt lở, hư hỏng. Mặt khác, vị trí đoạn kè bị sạt lở, hư hỏng nằm ở đoạn suối cong và dốc, chịu tác động trực tiếp của dòng chảy với lưu tốc lớn gây xói phần đất đắp mang thân kè và phần đắp móng chân kè dẫn đến rọ thép bị nghiêng đổ, hư hỏng và cuốn trôi. Công trình bị sạt lở, hư hỏng do thiên tai gây ra.

Được biết, sau khi mưa lũ đi qua, ngày 27-9-2024, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND xã Phúc Sơn và các nhà thầu thực hiện dự án trên, kiểm tra hiện trạng công trình. Kết quả kiểm tra, tuyến kè thuộc thôn Bản Chỏn đảm bảo an toàn, không có thiệt hại sau mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra. Nhưng tuyến kè tại thôn Nà Pết xác nhận có 2 đoạn với chiều dài 40m bị sạt lở, hư hỏng, bị lũ cuốn trôi. Đánh giá sơ bộ thiệt hại ước khoảng 300 triệu đồng.

Đơn vị thi công bờ kè đều có giám sát, đảm bảo kỹ thuật.

Công trình kè chống sạt lở bờ suối bảo vệ đất sản xuất xã Phúc Sơn (Lâm Bình) có tổng chiều dài tuyến kè theo thiết kế là trên 2.000m với tổng kinh phí đầu tư được phê duyệt là 14,7 tỷ đồng và đã phát huy hiệu quả trong việc chống sạt lở, bảo vệ diện tích đất sản xuất của Nhân dân từ khi xây dựng. Còn việc mới đây công trình có một số điểm hư hỏng là do thiên tai, mưa lũ gây ra, người dân cần nắm bắt thông tin chính thống, tránh tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục